Theo thống kê, có hơn 600 phụ huynh và bạn trẻ đã đăng ký tham gia tư vấn trực tuyến, với 250 câu hỏi được đặt ra, các chuyên gia đã giải đáp thắc mắc được 85 câu hỏi từ các bậc phụ huynh và bạn trẻ.
Khác với những chương trình Giao lưu trực tuyến năm 2013, 2014, chương trình năm nay thu hút khá nhiều phụ huynh tham gia, chứ không riêng các bạn trẻ vừa trải qua kỳ thi THPT Quốc gia.
Các câu hỏi gửi về chủ yếu xoay quanh các vấn đề: Học để có bằng đại học, hay học nghề theo đam mê? Lựa chọn ngành nào để có nghề tốt, lương cao, các công ty có quan tâm đến bằng cấp khi tuyển dụng?
Học để có bằng đại học, hay học nghề theo đam mê?
Không ít các bậc phụ huynh đang “rối như tơ vò” khi muốn con học đại học, nhưng con em họ lại muốn theo đuổi một ngành nghề khác hẳn, thậm chí có nhiều ngành nghề vấp phải định kiến xã hội ở Việt Nam như nghề làm game, nghề độ xe, nghề DJ.
Bác Đức đã bày tỏ sự “bất lực, giận hờn, lo sợ” trước quyết định học cái ngành “lập trình game gì đó” của con trai. Khi đó, một loạt những băn khoăn, lo lắng hiện lên trong đầu vợ chồng bác Đức: “Không biết học ngành đó để làm gì? Vào môi trường này không biết có mê game rồi bỏ học hay không? Rồi tương lai sẽ ra sao? Ra trường có việc làm hay không? Nói chung là chúng tôi đã từng rất lo sợ!”
Bạn Võ Hữu Minh Trí - bạn trẻ trái ý cha mẹ đi theo ngành Lập trình game do quá đam mê
Nhưng thực tế thì xảy ra theo chiều ngược lại với những lo lắng của vợ chồng bác. Con trai bác đã thực sự đam mê và đoạt kết quả học tập xuất sắc nhất trường. Bác Đức tâm sự: “Với những thành tích của cháu ở trường vừa qua, đã cho tôi lạc quan hơn, và tin tưởng hơn về những gì mà VTC Academy đã mang lại cho cháu. Đó là con mình hết sức đam mê học tập một ngành khoa học nghiêm túc và sáng tạo chứ không phải bị cám dỗ của những trò giải trí. Vì vậy, tôi nghĩ rằng bạn cũng nên vui vẻ ủng hộ những quyết định của cháu nếu đó thật sự là niềm đam mê của cháu”.
Học ngành nào để có nghề tốt, lương cao
Nhận xét về mối quan tâm hàng đầu của các bậc phụ huynh và bạn trẻ khi chọn ngành học, ông Phí Anh Tuấn, phó chủ tịch hội Tin học TP HCM chia sẻ: “Chuyện cơm-áo-gạo-tiền là mối quan tâm lớn nhất hiện nay khi chọn ngành học của các bạn trẻ”. Ông Phí Anh Tuấn cũng nuối tiếc, có lẽ nhiều bạn trẻ đã bỏ lại đam mê, và sa đà vào vấn đề việc làm- lương bổng trong công việc khi chọn ngành.
Chuyên gia của Tổ chức lao động Quốc tế ILO- Nguyễn Lê Minh tư vấn cho các bạn trẻ
Tuy nhiên, ông cũng đưa ra một “con đường sáng” trong bức tranh tổng thể của thị trường việc làm hiện nay của Việt Nam: “Ngành Công nghệ thông tin tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, và trong thời gian ngắn nữa, nguồn nhân lực của ngành này sẽ thiếu hụt trầm trọng. Và trong thời gian tới, ngành CNTT vẫn là ngành có tính ổn định và là ngành có lợi thế cạnh tranh quốc gia”.
Theo ông Phí Anh Tuấn, một số ngành CNTT đang rất thiếu nhân lực và có mức thu nhập cao so với các ngành nghề hiện tại ở Việt Nam có thể kể đến như: là các ngành liên quan đến lập trình, các lĩnh vực phân tích dữ liệu, bảo mật an toàn thông tin, kiểm thử phần mềm, lập trình cho thiết bị di động (Mobile), các lập trình và thiết kế 3D liên quan đến công nghiệp giải trí (lập trình game, thiết kế 3D cho phim và game).
Các công ty có quan tâm đến bằng cấp khi tuyển dụng?
Với những thắc mắc của các bạn trẻ về vấn đề bằng cấp có là thước đo khi ứng tuyển vào một công ty, anh Phan Anh Tuấn, Giám đốc công nghệ VTC Online, cho rằng, khái niệm “bằng cấp” vốn thường được mọi người trong xã hội hiểu là bằng cao đẳng, đại học, song đối với nhà tuyển dụng, bằng cấp là “một trong các tiêu chí” để đánh giá năng lực của ứng viên. “Vì vậy, mặc dù em không có “bằng cấp” nhưng nếu em có kỹ năng hoặc kinh nghiệm mà công ty cần, em luôn được chào đón ở VTC Online”, anh chia sẻ.
Ông Phí Anh Tuấn- Phó Chủ tịch Hội Tin học TP HCM nhiệt tình trả lời mọi thắc mắc của độc giả
Anh Phan Anh Tuấn cũng đưa ra ví dụ, rất nhiều người trong công ty VTC chưa có bằng cấp, nhưng họ đang giữ những vị trí rất quan trọng, quản lý rất nhiều người có bằng cấp hoặc tạo ra rất nhiều giá trị cho công ty.
Đồng quan điểm này, chị Lê Thị Đoan Trinh- trưởng bộ phận Hỗ trợ kinh doanh- TTV, có hơn 10 năm kinh nghiệm tuyển dụng tại các tập đoàn lớn như FPT, VNG cũng cho biết, thông thường, kinh nghiệm làm việc sẽ được ưu tiên hơn bằng cấp. “Tuy nhiên, nền tảng kiến thức cơ bản, khả năng tư duy và khả năng học hỏi, cũng như tiềm năng phát triển của ứng viên thường được xem trọng hơn khi nhà tuyển dụng phải cân nhắc lựa chọn giữa hai hay nhiều ứng viên ứng tuyển cho cùng một vị trí nào đó”. Vì thế, khả năng làm việc thực tế là thước đo quan trọng nhất khi một công ty quyết định đưa ra tiêu chí tuyển dụng nhân viên.