Giới ca sĩ, nhạc sĩ, sản xuất âm nhạc… đang “hồi hộp” chờ xem câu chuyện thực thi thu phí tải nhạc từ ngày 1/11 tới đây liệu có đem lại sự thỏa đáng trong “ăn chia”, có được đón nhận tại thị trường vốn chỉ quen tải “chùa” hay không…
- Zing và Nhaccuatui sẽ có biện pháp chống tải nhạc "lậu"
- Zing đạt thỏa thuận bản quyền ca khúc quốc tế với Universal Music
- Doanh số nhạc mạng bắt đầu vượt doanh số nhạc băng đĩa
Zing - một trong những trang nghe nhạc sẽ thu phí tải nhạc từ 1/11 tới đây
Trọng trách đặt trên vai VCPMC
Tại tọa đàm “Bảo vệ quyền lợi ca sĩ, nhạc sĩ trên các lĩnh vực sử dụng âm nhạc, đặc biệt là trên lĩnh vực Internet, biểu diễn và những triển vọng trong lương lai” do Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) tổ chức hôm 12/10 tại Hà Nội, hầu hết các nhạc sĩ tham dự như Văn Dung, Huy Thục… đều tỏ ra gay gắt khi nhắc tới một thực trạng… không còn mới nhưng luôn khiến họ bức xúc. Đó là trên cả lĩnh vực Internet và lĩnh vực biểu biễn, thì cho đến nay, họ luôn là đối tượng phải nhận về phía mình phần thiệt khi chỉ nhận được số tiền tác quyền ít ỏi, hoặc thậm chí là… không có gì.
Xét riêng ở lĩnh vực biểu diễn, ông Phạm Xuân Phúc - Phó Chánh thanh tra Bộ VH,TT&DL đã dẫn ra con số mới nhất do Thanh tra Bộ này thống kê trong 3 năm gần đây, theo đó các Sở VH,TT&DL trong cả nước đã cấp 8.950 giấy phép biểu diễn. "Nhưng trong số đó, VCPMC thu được tiền bản quyền của bao nhiêu chương trình?", ông Phúc nêu vấn đề.
Không cần câu trả lời từ phía VCPMC, ông Phạm Xuân Phúc cũng nhận định luôn chuyện VCPMC thu được tiền bản quyền là không đáng kể, và đó là thực trạng đáng “đau xót” cho việc thực thi pháp luật về quyền tác giả và quyền liên quan ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, câu chuyện thu phí bản quyền trên lĩnh vực di động, Internet cũng được nhiều nhạc sĩ, nhà quản lý nhận định vẫn còn là “cuộc chiến” dai dẳng khi ngành công nghiệp ghi âm Việt Nam đang bị thiệt hại nghiêm trọng do tình trạng tải nhạc miễn phí trên Internet và di động. Như theo công bố hồi giữa tháng 8 vừa qua của Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam, sản lượng băng đĩa của Hiệp hội này “sụt” hơn 80% trong 5 năm gần đây, nhiều hãng tê liệt hoạt động do cứ sản xuất album mới là nắm chắc phần… thua lỗ.
Nhận định của những người có mặt tại tọa đàm của VCPMC còn cho thấy, đến nay, cuộc chiến chống lại tình trạng vi phạm bản quyền ở Việt Nam vốn đã gian nan hiện càng trở nên chông gai hơn khi nhận thức của xã hội, thậm chí là chính bản thân nhiều ca sĩ, giới sáng tác, về vấn đề quyền tác giả và quyền liên quan ở Việt Nam vẫn còn quá mơ hồ. Và một khi thực tế này còn dai dẳng thì người ta cũng càng nhắc nhiều hơn đến vai trò và trách nhiệm của một tổ chức như VCPMC, của những người đang ngồi “ghế nóng” tại VCPMC cần làm gì để bảo vệ được quyền lợi cho những người đang “bị thiệt”.
Hồi hộp chuyện “ăn chia”
Trong khi các bên liên quan đang còn “loay hoay” với vấn đề bản quyền trong lĩnh vực biểu diễn, thì đối với câu chuyện bản quyền trên Internet, Việt Nam cũng đang có hướng làm mới để đẩy lùi vấn nạn vi phạm bản quyền.
Trao đổi tại tọa đàm, nhạc sĩ Phó Đức Phương – Giám đốc VCPMC nhấn mạnh, Trung tâm này đang có những động thái quyết liệt để giảm thiểu vi phạm bản quyền, và một trong những động thái mới nhất là từ ngày 1/11 tới đây, Trung tâm này phối hợp với Công ty truyền thông MVCorp và các bên liên quan sẽ thực thi việc thu phí tác quyền đối với các đơn vị kinh doanh nhạc số.
Cụ thể, các website lớn như Zing, Nhaccuatui, Nhac.vui.vn, Socbay.com, Nghenhac.info sẽ đồng loạt thu phí tải nhạc thử nghiệm trên 100 album với mức 1.000 đồng/bài hát, hoặc thu theo thuê bao hàng tháng (nghe nhạc trực tuyến vẫn được miễn phí, doanh thu thu về sẽ chi 45% cho các website, dịch vụ, còn lại là cho đơn vị cung cấp nội dung là ca sĩ, nhạc sĩ, hãng ghi âm - PV).
Theo thống kê sơ bộ, năm 2012 Việt Nam có khoảng 25 triệu người nghe nhạc trên web, 6 triệu người nghe nhạc trên điện thoại. Và với những con số này, ông Phùng Tiến Công, Phó Tổng giám đốc Công ty MVCorp tỏ ra lạc quan, đồng thời cho rằng với mức thu phí 1.000 đồng/bài hát, thì nếu nhân lên với khoảng 25 triệu người nghe, ngành nhạc số sẽ đem ngay về doanh thu 25 tỷ đồng.
Trước viễn cảnh ông Phùng Tiến Công chia sẻ tại cuộc tọa đàm của VCPMC, hầu hết các ca sĩ, nhạc sĩ và đại diện một số đơn vị kinh doanh âm nhạc có mặt đều bày tỏ sự đồng tình với tín hiệu mới này, đồng thời kỳ vọng câu chuyện sẽ mở ra một sân chơi công bằng hơn cho thị trường nhạc số tại Việt Nam.
Tuy nhiên, một vấn đề khiến họ vẫn “lăn tăn”, đó là liệu tỷ lệ ăn chia khi áp dụng vào thực tế có khiến cho các bên liên quan thấy thỏa đáng hay không, và câu chuyện lớn nhất là thị trường Việt Nam liệu có chấp nhận trả phí (dù chỉ 1.000 đồng/bài hát) hay không khi mà thực tế “quen tay tải nhạc chùa” vốn đã ăn rất sâu vào thói quen, suy nghĩ của cộng đồng nghe nhạc.
Theo ictnews