Ngày 2/7, Central Group Việt Nam, đơn vị sở hữu hệ thống siêu thị Big C, gửi thông báo tới các nhà cung cấp Việt Nam cho biết sẽ tạm ngừng đặt hàng may mặc của các nhà cung cấp theo hợp đồng hợp tác thương mại đã được ký kết giữa 2 bên. Quyết định có hiệu lực chỉ chưa đầy 1 ngày sau đó, khiến doanh nghiệp hoang mang. Nhiều người kéo đến văn phòng Central Group tại TP.HCM để phản đối..
Cách làm khó hiểu của Big C, doanh nghiệp lo phá sản
Trao đổi với báo chí tại sảnh của Central Group tại TP.HCM, chị Nguyễn Thị Kim Bích, đại diện đơn vị cung cấp mặt hàng may mặc nữ cho Big C hơn 20 năm nay, bức xúc nói cách làm của chuỗi siêu thị này "là không thể được".
“Hàng nghìn công nhân trông chờ vào công việc này mà phía Big C thông báo quá đường đột như vậy. Buổi tối gửi một email rồi sáng ra chấm dứt nhận hàng, cách làm đó không thể nào chấp nhận được”, chị Bích nói.
Chị cho rằng ngay cả khi Big C ngừng thu mua sản phẩm thì họ cũng phải thông báo lộ trình và thời gian để doanh nghiệp chuẩn bị.
Chủ một đơn vị cung cấp khác cho biết 80-90% sản phẩm do doanh nghiệp của bà sản xuất là dành cung cấp cho Big C. "Nhận được thông báo tạm dừng nhận hàng đột ngột, tôi không biết chuyện gì đang xảy ra. Hàng tồn kho còn rất nhiều, hàng chuẩn bị giao cũng vậy", bà nói.
"Tạm dừng một ngày đã thiệt hại, đằng này Big C nói họ sẽ dừng nhập 2 tuần, và không rõ sau đó sẽ thế nào", một nữ doanh nhân khác chia sẻ.
Ngay cả sau cuộc trao đổi với đại diện Central Group tại TP.HCM, doanh nghiệp cũng chưa bớt hoang mang. Đại diện một cơ sở cung cấp sản phẩm cho Big C đã 6 năm lo với 2 tuần đó và tương lai mờ mịt, công nhân sẽ đi tìm việc mới. Hệ quả nhãn tiền là doanh nghiệp có thể phá sản.
Chiều 3/7, Zing.vn liên hệ với Hiệp hội Dệt may Việt Nam, đại diện hiệp hội cho biết chưa nắm được thông tin Big C ngừng thu mua mặt hàng may mặc của các doanh nghiệp Việt Nam nên cần thời gian để xác minh sự việc.
Nhiều doanh nghiệp cung cấp sản phẩm dệt may cho Big C Việt Nam kéo đến văn phòng Central Group tại TP.HCM để phản đối. Ảnh: Trương Khởi.
"Đuổi khéo" doanh nghiệp Việt khỏi hệ thống Big C?
Nói với Zing.vn, anh Minh - chủ một doanh nghiệp dệt may tại Nam Định - quan ngại đây có thể là bước đầu của việc hàng may mặc Việt bị đẩy khỏi siêu thị thuộc chủ sở hữu của người Thái.
Theo anh, các mặt hàng khác của Việt Nam tại Big C có thể sẽ từng bước bị đẩy ra ngoài, nhường chỗ cho các sản phẩm ngoại nhập. “Tập đoàn Central Group đến từ Thái Lan, chắc chắn họ sẽ có những ưu ái nhất định đối với hàng Thái”, anh Minh nói.
Đây cũng là điều nhiều chuyên gia lo lắng ngay từ thời điểm Central Group mua lại hệ thống Big C năm 2016. Nhiều người nói rằng Central Group đã lần lượt “đuổi khéo” các doanh nghiệp sản xuất nhãn hàng riêng ra khỏi Big C với các cách khác nhau.
Chỉ ít lâu khi mua lại Big C từ tay tập đoàn Casino của Pháp, Central Group đã âm thầm đưa sản phẩm “Made in Thailand” độc chiếm những vị trí đẹp nhất. Các loại bia, nước ngọt, gạo, giày dép xuất xứ Thái Lan được đặt ở ngay lối ra vào, thậm chí còn được trưng bày trên những kệ riêng biệt, sát quầy tính tiền, dễ thu hút khách hàng quan tâm, mua sắm.
“Tôi từng nghe Big C đòi doanh nghiệp chiết khấu cứng 20%, chiết khấu mềm 12%. Cách làm như vậy hàng Việt dần bị đẩy ra ngoài”, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội - thông tin.
Ông Phú gay gắt: Big C đang thể hiện hai bộ mặt trái ngược. Một mặt Big C tuyên bố ưu tiên hàng Việt Nam nhưng hiện tại, họ lại ngưng nhập hàng dệt may trong nước. Ông nhắc lại việc ông Thái Dũng - Phó tổng giám đốc Big C Thăng Long tuyên bố tại hội nghị 10 năm ưu tiên hàng Việt Nam: “90% hàng Việt tại Big C”.
"Thực hiện quyền lực người mua"
Trong khi đó, trên mạng xã hội đang xuất hiện phong trào tẩy chay chuỗi siêu thị này, "thực hiện quyền lực của người mua" vì quyết định bất ngờ quay lưng với sản phẩm may mặc Việt Nam.
Một tài khoản bình luận: “Ngay trên đất Việt mà lại chèn ép hàng Việt, ưu tiên hàng ngoại nhập, từ nay tôi cũng chẳng có lý do để vào Big C nữa”. Đồng quan điểm, tài khoản Nguyễn Cường nhắn nhủ: Người Việt nên dùng hàng Việt, mua hàng của siêu thị Việt và tẩy chay Big C.
“Cái này rõ ràng là Central Group Thái Lan ép doanh nghiệp Việt Nam rồi. Người Việt cần biết tự bảo vệ mình trước mối đe dọa lớn từ các tập đoàn nước ngoài”, người khác bình luận.
Trong khi đó, trong thông cáo phát đi tối 3/7, đại diện Big C Việt Nam tiếp tục khẳng định việc tạm dừng các đơn đặt hàng với nhà cung ứng may mặc của Việt Nam chỉ là tạm thời, không dừng hoạt động kinh doanh của ngành hàng may mặc tại Việt Nam.
Đơn vị thuộc Tập đoàn Central Group cũng nói đang xem xét lại danh mục hàng hóa và tính khả thi từ nhà cung cấp. Theo Big C, hiện chuỗi siêu thị có hơn 4.000 nhà cung cấp Việt Nam. Và Big C đang trong quá trình xem xét với hơn 200 nhà cung cấp hàng may mặc.
Theo: Zing.vn
Nhiều doanh nghiệp Mỹ muốn chính phủ giảm lệnh cấm đối với Huawei
(Techz.vn) Lệnh cấm của ông Donald Trump không chỉ gây tác động lên Huawei mà ngay cả những doanh nghiệp của Mỹ cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ.