Bản tin VTV: Máy bay, tàu Việt Nam tích cực tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích
Vẫn được biết tới là một quốc gia sở hữu lực lượng hải quân hàng đầu thế giới, đi kèm với rất nhiều kinh nghiệm trong cứu hộ, cứu nạn, Mỹ đã tích cực tham gia việc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia Airline với các phương tiện kỹ thuật hiện đại.
Hải quân Mỹ hiện vẫn đang là lực lượng mạnh nhất thế giới
Dưới đây là những phương tiện kỹ thuật hiện đang tham gia việc tìm kiếm của Hải quân Mỹ.
Chiến hạm USS Pinckney
Theo tin từ Lầu Năm Góc, một khu trục hạm lớp Arleigh-Burke của Hạm đội 7 Hoa Kỳ, chiếc USS Pinckney đang ở vùng biển Nam Việt Nam để hỗ trợ cho việc tìm kiếm chiếc Boeing 777 của hãng Malaysia Airlines bị mất tích.
Chiến hạm USS Pinckney
Arleigh-Burke là loại tàu khu trục chủ lực của Hải quân Mỹ, là loại tàu khu trục lớn thứ 5 thế giới và nó cũng là loại tàu đầu tiên sử dụng hệ thống tác chiến Aegis. Các tàu lớp này bắt đầu gia nhập biên chế Hải quân Mỹ từ năm 1991.
Hiện nay, Hải quân Mỹ có trong biên chế 62 tàu khu trục lớp Arleigh-Burke với 3 phiên bản là Flight I (DDG 51-71), Flight II (DDG 72-78) và Flight IIA (DDG 79 về sau). Thiết kế của Flight III đã được lên kế hoạch cho năm 2016. Ở phiên bản Flight IIA có tổng choán nước là 9.648 tấn.
Thông cáo của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết, khu trục hạm này đang tham gia tập trận tại hải phận quốc tế ở Biển Đông nên đã nhanh chóng cơ động đến vị trí vùng biển Việt Nam để tìm kiếm. Chiếc USS Pinckney mang theo hai máy bay trực thăng trang bị các thiết bị hỗ trợ và tìm kiếm.
Máy bay P-3C Orion
Một phi cơ thám sát P-3C Orion trang bị radar và thiết bị tìm kiếm tầm xa cũng đang chuẩn bị rời căn cứ không quân Mỹ Kaneda ở Okinawa, Nhật Bản.
Máy bay P-3C Orion cũng đã tới khu vực tìm kiếm
P-3C Orion là sản phẩm của Công ty Lockheed Martin - Mỹ, thuộc loại máy bay trinh sát, chống ngầm cất cánh từ đất liền, chủ yếu dùng để thực hiện tác chiến săn ngầm trên biển tầm xa và tác chiến chống hạm và yểm hộ cho biên đội tàu sân bay trên toàn cầu, trong mọi điều kiện thời tiết.
P-3 Orion đã phục vụ trong Hải quân Mỹ từ những năm 1960 với nhiệm vụ chủ yếu là tuần tiễu chống ngầm. Biến thể cuối cùng của loại máy bay này là P-3C được bàn giao cho Hải quân Mỹ từ 1969 và đã qua nhiều lần cải tạo.
Chiếc P-3C cuối cùng được sản xuất vào năm 1990, từ đó đến nay, hải quân Mỹ chỉ nâng cấp những chiếc đã có chứ không sản xuất nữa, hiện phiên bản nâng cấp mới nhất là P-3C4.
Sự phối hợp của chiến hạm và máy bay trinh sát sẽ khiến công cuộc tìm kiếm diễn ra nhanh và hiệu quả hơn nhiều
P-3C có chiều dài 35,6 m, sải cánh 30,4 m, trọng lượng cất cánh tối đa 64,4 tấn, sử dụng 4 động cơ cánh quạt T-56-A-13, công suất mỗi động cơ là 4.600hp đảm bảo cho máy bay đạt vận tốc khoảng 750 km/h với hành trình tối đa 9000 km, bán kính hoạt động tối đa 4000 km.
P-3C có khả năng hoạt động liên tục trên không 16 tiếng với phi hành đoàn 11 người, bao gồm 3 phi công, 2 sĩ quan giám sát bay hải quân, 2 kỹ thuật viên bay, 3 sĩ quan vận hành thiết bị trinh sát và một kỹ thuật viên tổng hợp.
Với khả năng quan trắc trên một phạm vi rất rộng, sự có mặt của P-3C dự kiến sẽ giúp đẩy nhanh quá trình tìm kiếm chiếc máy bay mất tích này.
Đọc thêm: iPad và ứng dụng hàng không trợ giúp đắc lực tìm kiếm máy bay mất tích