Nhịp sống số

Google: Một công ty thiếu quyết đoán?

Google: Một công ty thiếu quyết đoán?

Trong 2 ngày diễn ra Google I/O 2012 vừa qua, người ta có thể nhận thấy rõ ràng 2 sản phẩm, 2 cách tiếp cận tương lai tương đối khác biệt của Google. Ở ngày đầu tiên, mọi thứ đều tập trung vào Google Play và chiến lược di động dựa trên nền tảng Android. Ở ngày thứ hai, mọi bài phát biểu lại tập trung vào trình duyệt Google Chrome và kho ứng dụng web của nó.

 

 

2 sản phẩm, hướng đi được nói đến ở đây là Android và Chrome, nói xa hơn chính là 2 hệ điều hành của Google. Mỗi nền tảng đều được hỗ trợ đằng sau bởi những kho ứng dụng và nội dung số. Với Android đó là Google Play, với Chrome (xa hơn là Chrome OS) đó là Chrome Web Store.

Theo các con số được công bố trong Google I/O, đã có hơn 400 triệu smartphone đã được kích hoạt chạy trên nền tảng Android. Google Play có trên 600 nghìn ứng dụng và hơn 20 tỷ lượt tải, và là con át chủ bài của Google trên thị trường di động. Đấy là còn chưa nhắc đến những thiết bị hay kho ứng dụng được xây dựng dựa trên nhân Android, điển hình như Kindle Fire và kho ứng dụng cho nó của Amazon. Chrome cũng tỏ ra không hề thua kém, hiện tại đã có hơn 310 triệu người đang sử dụng trình duyệt Chrome và cuối tháng 5 vừa qua, Chrome đã chính thức trở thành trình duyệt phổ biến nhất thế giới với 32,76% thị phần. Chrome đã hiện diện đầy đủ trên di động, thông qua việc chính thức ra mắt trên nền tảng iOS cách đây khoảng 1 tuần. Các ứng dụng trên Chrome Web Store đã cho phép người dùng mua hàng trong ứng dụng (in-app purchase) và Google hưởng 5% lợi nhuận.

Tương đối khó cho những nhà phát triển ứng dụng khi phải chọn xem mình nên tập trung vào nền tảng nào trong 2 nền tảng kể trên, một có 310 triệu và một có 400 triệu. Chính Google có lẽ cũng chưa nhất quán trong việc nên tập trung hoàn toàn vào đâu, cũng giống như cuộc chiến giữa native app và web app chưa đến hồi ngã ngũ. Android hẳn là đi theo hướng native app, còn Chrome hay Chrome OS đi theo hướng web app, dựa trên nền tảng  của HTML5. Facebook cũng đã gặp những bối rối tương tự khi phải quyết định hướng đi của mình vào thị trường di động. Họ đã rất quan tâm đến việc xây dựng một nền tảng ứng dụng chạy HTML5, nơi các nhà phát triển của Facebook chỉ cần phát triển và cập nhật một phiên bản duy nhất, thay vì mỗi lần Facebook có cập nhật nhỏ họ lại phải điều chỉnh hàng tá phiên bản như hiện tại. Tuy nhiên Facebook cũng không thể không chú ý đến native app, họ mua lại Instagram, ra 2 ứng dụng Message và Camera, chia nhỏ các thành phần cốt lõi và đưa chúng lên dưới hình thức các native app. Tham khảo thêm “Fred Wilson : Internet phát triển là nhờ mobile”.

Khi Google có ý định cho ra mắt Google Chrome OS vào năm 2009, sau khi đã sở hữu một hệ điều hành khác là Android, Microsoft đã mỉa mai và cho rằng 1 công ty không bao giờ nên sở hữu song song 2 hệ điều hành. Đến hiện giờ, Microsoft vẫn theo đuổi triết lý đó của mình, bằng chứng cơ bản nhất là họ vẫn muốn tất cả các thiết bị chạy cùng một hệ điều hành Windows 8, từ máy tính để bàn và tablet, kể cả smartphone. Tuy nhiên thành công của Apple, hay cụ thể gần đây là phát biểu của Tim Cook gọi ý tưởng tablet và laptop chạy cùng 1 hệ điều hành Windows 8 là “điên rồ” đã cho thấy rằng trải nghiệm trên thiết bị di động dùng màn hình cảm ứng (smartphone, tablet) và thiết bị dùng bàn phím là rất khác biệt. Do đó cũng cần có 2 hệ điều hành riêng biệt để điều hành, đáp ứng những tác vụ khác biệt của 2 thiết bị kể trên. Hiện tại mặc dù trào lưu mobile đang phát triển nhanh chóng và đe dọa đến laptop và máy tính để bàn, tuy nhiên các thiết bị có bàn phím trên vẫn còn nhiều chỗ dứng, đặc biệt là trong môi trường doanh nghiệp. Chrome OS cùng với ChromeBook hay mới đây là ChromeBox là một thiết bị như vậy.

Mobile và web, chúng sẽ chiến đấu và phân chia thị trường trong tương lai đến đâu, người dùng sẽ hưởng ứng xu hướng nào hơn điều đó thật khó để đoán định. Với riêng mình, người dùng sẽ ủng hộ Android hơn, sẽ thích Chrome hơn hay là sẽ phân chia làm 2 nhóm, điều đó cũng khó có thể đoán được. Bằng việc thúc đẩy cả 2 nền tảng, có thể thấy rằng Google đang làm một phép thử lớn với người dùng, nếu người dùng thích nền tảng nào hơn, có lẽ họ sẽ chiều lòng người dùng. Điều này có thể khá lạ lùng và ngược với chiến lược của các công ty như Apple, luôn vốn rất quyết đoán trong việc quyết định xem người dùng sẽ thích cái gì và đưa cho họ, Google là một công ty mà dữ liệu có ý nghĩa quyết định tương đối lớn. Họ muốn xem một cách thực tế rằng hướng nào tốt hơn, người dùng thích cách nào hơn để quyết định nên đi theo hướng nào. Nếu Android phát triển tốt, Google sẽ ủng hộ hướng native app, nếu không ít nhất Google vẫn còn sự hiện diện lớn trên mobile thông qua Chrome.

Chiến lược Internet có phần thiếu quyết đoán của Google có thể khiến cho cả người dùng lẫn các nhà phát triển tương đối băn khoăn trong việc chọn lựa và sử dụng. Tuy nhiên do dự và có cách tiếp cận thận trọng đôi khi cũng là một quyết định rất có giá trị, khi mà ta chẳng thể biết tương lai của Internet sẽ đi theo hướng nào.

 

Theo Westart.vn