Với một nước có hơn 17.000 hòn đảo và được gọi là đảo quốc như Indonesia, việc phát triển các cơ sở hạ tầng viễn thông, internet là điều rất khó để có thể thực hiện. Sự chia cắt giữa các hòn đảo, cùng với đó là những cánh rằng rậm và đồi nói trập trùng là lý do mà có đến 29% người Indonesia không thể tiếp cận với internet và các dịch vụ viễn thông.
Tuy nhiên, điều này sẽ được giải quyết khi mà mới đây Google đang lên kế hoạch sản xuất 20.000 chiếc khinh khí cầu và dùng nó để phát sóng WiFi từ trên cao xuống mặt đất.
Tại dự án có tên “Loon”, những chiếc khinh khí cầu sẽ được đưa lên và neo lại như một vệ tinh địa tĩnh ở tầng bình lưu của khí quyển (độ cao khoảng 18.000 m). Đây là khoảng không gian không chịu tác động bởi những hiện tượng thời tiết tự nhiên như mưa, gió hay sấm chớp.
Những chiếc khinh khí cầu sẽ được làm từ loại vật liệu nhẹ như nhựa và được dán kín. Sau đó người ta sẽ tiến hành bơm vào đó những loại khí nhẹ hơn không khí để chúng có thể bay lên và giữ trạng thái lơ lửng giữa không trung. Bên dưới của quả khinh khí cầu này sẽ chứa các trang thiết bị để phục vụ cho việc truyền dẫn và phát sóng. Hoạt động của chúng được duy trì bằng những tấm pin năng lượng mặt trời.
Mỗi chiếc khinh khí cầu như vậy sẽ có chức năng và nhiệm vụ như một trạm BTS từ trên cao. Chúng sẽ có thể phủ sóng trong phạm vi 40km dưới mặt đất. Việc phát triển công nghệ này giúp giải quyết được các bài toán về sự phức tạp và trắc trở của địa hình.
Với những thử nghiệm ban đầu, hệ thống khí cầu có thể cung cấp tốc độ truyền tải khoảng 10 Mbit/giây cho các thiết bị dưới mặt đất. Tốc độ này được đánh giá là ngang ngửa với tốc độ 4G tại châu Âu.
Sau kết quả thử nghiệm có phần khả quan, Google đã đạt được thảo thuận hợp tác với 3 nhà khai thác mạng di động của Indonesia là Indosat, Telkomsel và XL Axiata để sớm triển khai dịch vụ này trong thời gian tới.