Taylor Swift và Lady Gaga nói gì về Flappy Bird.
Flappy Bird và miếng mồi ngon thời báo mạng
Mấy ngày trở lại đây, sau loạt bài về Tết, có vẻ như các báo công nghệ lại quay về thời kì đói chủ đề “hot” kể từ khi IP5s ra mắt. Tưởng chừng như còn phải tuyệt thực dài dài thì ngay những ngày đầu xuân Giáp Ngọ, tất cả các cơ quan báo chí về công nghệ ở Việt Nam lại được Nguyễn Hà Đông tặng cho cả “một gói khi đói”. Lâu lắm rồi mới lại có một chủ đề nóng đến mức gây tranh luận “gay gắt” như thế này. Và hôm nay, tôi xin đưa ra một vài nhận định chủ quan của cá nhân mình về tựa game “chim vỗ cánh” đang gây hot của Nguyễn Hà Đông.
Flappy Bird đã nhanh chóng vươn lên trở thành hiện tượng chỉ trong một thời gian rất ngắn.
Trước tiên, đứng trên góc độ đam mê lập trình nói chung và lập trình game cho di động nói riêng, tôi xin được bày tỏ thái độ trân trọng và biết ơn đến Nguyễn Hà Đông. Riêng về quan điểm chủ quan của tôi, bạn xứng đáng là hiệp sĩ công nghệ thông tin của Việt Nam năm 2013. Và tôi xin nhắc lại một lần nữa về sự thán phục với những thành công mà bạn đạt được.
Tuy nhiên, sẽ chẳng có gì để nói nếu “chú chim” của bạn chỉ được các báo tôn vinh thông qua việc cập nhật lượt tải cũng như vị trí trên top đầu những ứng dụng ăn khách nhất của App Store hay Google Play. Thật đáng tiếc khi mà báo chí lại đang nói về những thứ bên lề nhiều hơn những gì mà “chim” của bạn làm được.
Và còn đáng tiếc hơn nữa khi mà tất cả những điều đó lại đang gây nên một cuộc tranh cãi gay gắt trên cộng đồng mạng về tính hợp pháp và những khía cạnh khác liên quan đến số tiền thu được từ việc kinh doanh “chim” của Đông. Hơn hết, đó còn là những tranh cãi về thứ vô cùng lớn lao mà người ta đang cổ súy mạnh mẽ : tinh thần dân tộc. Tuy nhiên dòng suy nghĩ lại theo chiều hướng ấu trĩ nhiều hơn là cấp tiến. Sau đây, tôi xin được chia sẻ một vài quan điểm của tôi về Flappy Bird nhìn từ góc độ khách quan với tư cách của một “công dân toàn cầu”.
Trước tiên, tôi sẽ mạnh mẽ “tấn công” với các quan điểm : “Bạn đã làm được bằng nửa những gì Nguyễn Hà Đông đã làm chưa mà đi phê phán, nhận xét” (và cả những quan điểm tương tự). Để phản biện lại quan điểm vi triết này, tôi xin được trích lại một câu nói của bloger Thịnh trong vụ kiện “Xách Balo lên và đi” với Huyền Chíp như sau : “Bạn không cần phải là một đầu bếp thiên tài mới có thể đưa ra ý kiến của mình về một món ăn ngon hay không ngon” . Trước tiên, mong tất cả các bạn phân biệt được rõ khái niệm nhận định và thẩm định trong quá trình đánh giá. Còn với tôi, dưới đây là những chia sẻ và cách suy nghĩ cũng như nhận định của tôi về chủ đề này.
Flappy Bird : Sản phẩm ăn may nhưng mang giá trị toàn cầu
Đừng nhìn vào vị trí trên top ứng dụng hay lượt tải để vội vàng ca tụng chú chim này. Hai con số này mới chỉ xứng đáng để chúng ta khen ngợi. Đây là kết quả của một quá trình, nhưng để đánh giá đúng và có một nhìn nhận toàn diện nhất, chúng ta phải nhìn vào cả quá trình nữa. Nếu coi đây là điểm số, thì hãy nhớ đến câu “học tài thi phận”. Chúng ta phải dành sự vinh danh cho những điều xứng đáng, và càng phải dành sự đấu tranh cho những điều thực sự xứng đáng hơn.
Flappy Bird bên cạnh Piou Piou - một tựa game được coi là bản gốc Flappy Bird
Để được ca tụng, phải là một sản phẩm thực sự xuất sắc. Như thế nào là sản phẩm xuất sắc? Chúng ta có thể đọc nhanh học thuyết Mark-Anghen, mỗi sản phẩm mang trong mình hai giá trị: đó là giá trị và giá trị sử dụng, giá trị là kết tinh của lao động trong sản phẩm, giá trị sử dụng là lợi ích thực tiễn của sản phẩm. Một sản phẩm tuyệt vời phải có lượng hai giá trị trên càng lớn càng tốt.
Quy chiếu vào “chim” của Hà Đông, chúng ta hãy cùng nhau mổ xẻ nó theo cách nhìn nhận này:
Đầu tiên, muốn hay không, khi nhìn vào thực tế chúng ta đều phải thừa nhận là Flappy Bird của Hà Đông có sự cóp nhặt ý tưởng thuần túy vượt quá dấu ấn tư duy của Hà Đông vô cùng nhiều, chứ không phải là đi copy hay ăn cắp ý tưởng.
Về giá trị (kết tinh lao động) của Flappy Bird là gì? Giá trị lớn nhất mà Flappy Bird của Hà Đông mang lại chính là việc làm cho game này trở nên “khó nhai” và thứ hai là “3 ngày viết code miệt mài” (theo các bài phỏng vấn Hà Đông về thời gian xây dựng game).
Bám vào lý luận này, chúng ta sẽ cùng đập tan quan điểm bảo vệ cho Flappy của đại đa số độc giả: “Đa số các game nổi tiếng như Angry Bird, Nông trại vui vẻ,… đều là các sản phẩm đi cóp nhặt ý tưởng và được tôn vinh thì chả có lí do gì để Flappy Bird phải bị chỉ trích cả”. Quan điểm này là rất nông cạn, cứng nhắc. Chúng ta phải nhìn vào mức độ cóp nhặt. Thử hỏi các game kia so với bản gốc khác đến như thế nào, ở đây chúng ta phải xét theo sự cấp tiến, thử hỏi đồ họa, âm thanh,…đã được cải tiến đến đâu? Thử hỏi Rivio mất đến bao nhiêu thời gian, bao nhiêu nhân lực để nghiên cứu và “đẻ” ra được Angry Bird?
Angry Bird của Rivio là tựa game lấy ý tưởng của game khác nhưng gặt hái được khá nhiều thành công.
Một số bạn sẽ bảo là so sánh khập khiễng khi đưa cả những “ông lớn” đem so với một cá nhân như thế, nhưng xin lỗi, chính các bạn mới là người so sánh trước và làm giảm đi giá trị của những ông lớn đó, khi đưa những sản phẩm, đúng hơn là những tài sản lớn nhất của họ đi làm lí do để bao biện cho Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông. Để dùng một từ xứng đáng nhất cho Hà Đông và giá trị của Flappy Bird, chỉ có thể dùng 1 từ “ý tưởng”. Ý tưởng tăng độ khó cho Flappy Bird chính là thứ đáng giá nhất trong quá trình “lao động” của Nguyễn Hà Đông. Tuy nhiên thử hỏi, để hoàn thành một sản phẩm lớn cần bao nhiêu ý tưởng đáng giá? Đến đây, chắc các bạn đã hiểu được phần nào dụng ý của tôi về nhận định này.
Về giá trị sử dụng của Flappy. Đây là sản phẩm giải trí vì thế giá trị của nó nghiêng về cảm tính. Sẽ là không logic nếu ta đi giải thích cảm tính bằng logic lý tính. Thế nên về phần này, tôi xin không phân tích sâu. Có lẽ chúng ta đều phải thừa nhận, thứ lớn nhất mà Flappy đưa lại cho đa số người chơi chính là cảm giác ức chế. Vì sao ức chế? Vì chơi rất khó. Vì sao ức chế mà vẫn muốn chơi? Vì ham muốn chinh phục (hoặc cũng có thể nói là do hiếu thắng). Và một khi ham muốn được thỏa mãn, não bộ sẽ xảy ra 1 loạt các biến đổi dẫn đến hiện tượng “vui”, và như thế có nghĩa là bộ não của chúng ta đã được giải trí. Tôi nghĩ chỉ cần vẻn vẹn chừng đó từ cũng là đủ để nói về những gì Flappy đã mang lại được cho người dùng.
Nếu chỉ nói đến đây thì Flappy đã hoàn thành sứ mệnh giải trí của nó một cách xuất sắc . Tuy nhiên, lại phải nhìn nhận lại vấn đề, ngay cả giải trí cũng phải có giá trị của nó. Và giá trị giải trí mà Flappy mang lại quá nghèo nàn. Lấy ví dụ với những game được cho là lớn, giá trị giải trí là gì, là hình ảnh ngộ nghĩnh gây thích thú, là âm thanh vui tai, và đương nhiên là cả những sự thỏa mãn sau khi “next level”, và còn hàng tá thứ nữa mà nếu liệt kê ra có thể thành cả một bài văn cảm nhận.
Vậy đấy, vấn đề của Flappy Bird so với các game kia là nó có tính giải trí (giá trị sử dụng) hạn chế hơn rất nhiều. Đây là điều tất yếu vì kết tinh lao động mới chỉ đủ để cụ thể hóa và hoàn thiện được 1 ý tưởng chứ không phải là sự cộng hưởng của nhiều ý tưởng.
Đến đây, nhìn nhận một cách tổng thể, ta thấy hoàn toàn không thích hợp để đi giành giật sự công bằng hay vinh quang nào đó cho Flappy Bird của Hà Đông. Tất nhiên còn phi lí nhiều hơn thế nếu đem các game lớn ra để bao biện và so sánh.
Quan điểm và góc nhìn của tác giả sẽ còn được đề cập đến trong bài viết thứ 2: Nguyễn Hà Đông và bóng dáng của một 'Độc cô cầu bại'. Mời các bạn chú ý đón xem.
Đọc thêm: Liệu có hay không doanh thu khủng của Flappy Bird?
Vũ Quý