<>Các nhóm trang mang nội dung “Bạn biết cô ta khó chơi như thế nào khi đuổi theo cô ta tới một con hẻm” đã bị gỡ xuống sau khi Facebook nhận được lời chỉ trích từ các nhóm hỗ trợ nạn nhân bị cưỡng bức rằng nó đang kích động và ủng hộ hành vi hiếp dâm phụ nữ.<>
Trang Facebook có "trò đùa liên quan tới việc cưỡng bức phụ nữ"
Mạng xã hội này cho biết: “Không có chỗ trên Facebook cho những hận thù, đe dọa hoặc xúi giục bạo lực. “Tuy nhiên, hành động này lại dấy lên sự tranh luận về việc có thực sự vi phạm quy định không khi admin của trang đó đã dán nhãn (tag) ghi rõ là họ chỉ có ý định hài hước hoặc châm biếm.(Trước đó, Facebook còn cấm những hình ảnh bà mẹ cho con bú vì coi nó là “hình ảnh khiêu dâm”.)
Facebook lại tuyên bố họ thực hiện hành động gỡ bỏ sau khi “nhận được báo cáo về sự xúc phạm rất nghiêm trọng”, và các admin của trang vi phạm lại chỉ cứu vãn tình thế bằng cách thêm các nhãn “hài hước” hay “châm biếm” vào bài đăng của mình.
“Tuy nhiên, chúng tôi cũng muốn Facebook là nơi mọi người công khai thảo luận về các vấn đề và bày tỏ quan điểm của họ, trên cơ sở tôn trọng quyền và cảm xúc của người khác.” – người phát ngôn Facebook nói thêm – “Các nhóm hoặc các trang thể hiện ý kiến về một nhà nước, tổ chức hoặc thiết chế tín ngưỡng nào đó – ngay cả khi ý kiến đó gây khó chịu hoặc xúc phạm – cũng không tự vi phạm chính sách của chúng tôi. Những cuộc thảo luận trực tuyến chỉ phản ánh ý kiến cá nhân của những người tham gia, tương tự những cuộc chuyện trò trong gia đình hoặc quán xá.”
Tuyên bố chính thức này lại trái ngược với ý kiến trước đây của công ty. Vào tháng Tám vừa qua, Facebook cho biết: “Khi bạn kể một câu chuyện đùa thô lỗ trong quán rượu không có nghĩa là bạn sẽ bị đuổi khỏi quán, tương tự đối với mạng xã hội Facebook.”
Sự miễn cưỡng của Facebook trong các trường hợp gỡ bỏ các trang vi phạm quy định có lẽ là do gặp phải phản ứng mạnh mẽ từ các nhóm chiến dịch. Các doanh nghiệp cũng bày tỏ lo ngại khi quảng cáo của họ xuất hiện trên các trang có “vấn đề” dễ dẫn tới tranh cãi. Sony, American Express và BlackBerry là những hãng đầu tiên yêu cầu xóa quảng cáo của họ tại các trang liên quan tới “trò đùa cưỡng bức”.
Mặc dủ vui mừng khi Facebook chấp nhận gỡ bỏ các trang có nội dung xúc phạm nữ giới, nhưng chị Jane Osmond – một thành viên của website “Tin tức dưới góc nhìn phụ nữ” cho rằng như thế là chưa đủ. Chị nói: “Facebook cần phải xem xét lại vị trí của họ chứ không chỉ xóa đi những trang vi phạm để bảo vệ hình ảnh của họ trong mắt công chúng.”
Một số trang của trò đùa cưỡng bức này thu hút tới hơn 190.000 lượt “like” của các thành viên. Mặc dù đã bị gỡ xuống nhưng những trang còn lưu giữ nội dung “Bạn biết cô ta thực sự khó chơi khi mà…” vẫn có thể tìm ra khi chúng không được dán nhãn.
Chuyên gia tư vấn truyền thông Theresa Wise nhận xét: “Đây quả thật là vấn đề nan giải trong quá trình phát triển của Facebook. Có nhiều nguy cơ họ sẽ phải hành động giống như chính phủ Mỹ cố gắng triệt tiêu Wikileaks hoặc chính phủ Trung Quốc hạn chế Google“.