Zoom (thu/phóng, thường được hiểu là phóng to) là điều cần làm khi chụp hình những đối tượng ở xa. Tuy nhiên nếu sử dụng điện thoại di động với kết cấu camera đơn giản, tính năng này chưa chắc đã mang lại hiệu quả thực sự.
Nếu quan tâm đến việc chụp ảnh, nhất là chụp ảnh bằng điện thoại, có lẽ bạn từng nghe tới khái niệm zoom quang và zoom số.
Xin nhắc lại một chút về 2 khái niệm này:
Zoom quang: Hiểu đơn giản là việc người dùng tác động để thay đổi vị trí của các thấu kính, dẫn đến thay đổi tiêu cự của ống kính đó. Zoom quang cũng tương tự việc chúng ta sử dụng ống nhòm, nó giúp kéo các hình ảnh từ xa về gần chúng ta hơn. Chất lượng hình ảnh khi sử dụng zoom quang học thường khá tốt do chúng chỉ phụ thuộc vào chất lượng của các thấu kính.
Trong khi đó với zoom số, nhiệm vụ zoom sẽ được dành cho bộ xử lý của máy chứ không phải ống kính. Khi nhận lệnh zoom từ người dùng, bộ xử lý này sẽ phóng lớn bức hình ra, sau đó bổ sung những điểm ảnh còn thiếu bằng thuật toán được lập trình sẵn (thường là nhân các điểm ảnh lên). Nói một cách khác, một phần hình ảnh khi zoom số chính là hình được máy tái tạo ra chứ không phải hình ảnh thực tế.
Do đặc thù kết cấu đơn giản và thân hình hướng đến sự nhỏ gọn, thế nên các điện thoại ngày nay thường chỉ được trang bị zoom số thay vì zoom quang học (ngoại trừ một vài sản phẩm có ống kính zoom như Lumix CM1, Galaxy K Zoom,…). Vì vậy ở mục thông số điện thoại, nhà sản xuất thường ghi là zoom 3x, 4x,… chính là việc bạn có thể phóng to khung hình trong camera lên 3 hay 4 lần. Bạn có thể thấy thử ngay với chiếc điện thoại của mình, bằng cách dùng 2 ngón tay kéo ra để zoom vào đối tượng.
Samsung Galaxy K Zoom là một trong số ít smartphone được trang bị ống kính zoom quang học. Ảnh: Engadget
Vậy phải chẳng zoom số cũng chỉ tương đương với việc crop (cắt nhỏ) bức hình?
Với nguyên tắc hoạt động của zoom số như vậy, nhiều người sẽ cho rằng zoom số cũng tương tự việc chúng ta chụp một bức hình bình thường (không zoom), sau đó dùng các ứng dụng chỉnh sửa để zoom rồi cắt nhỏ (crop) bức hình đó ra.
Để kiểm chứng điều này, chúng tôi đã thử so sánh những bức hình được chụp bằng một chiếc iPhone trong 2 trường hợp: chụp bình thường sau đó cho vào máy tính phóng lớn (zoom sau khi chụp), và zoom hết mức rồi mới chụp (zoom trước khi chụp).
Khung cảnh ban đầu.
Chụp sau đó phóng to bức hình.
Phóng to khung cảnh rồi chụp.
Khung cảnh ban đầu.
Nếu zoom rồi mới chụp, điểm đo sáng khác nhau có thể khiến bức ảnh sáng/tối khác nhau.
Độ chi tiết có lẽ không khác biệt nhiều.
Có thể thấy trong hầu hết mọi trường hợp, chất lượng hình ảnh thu được từ zoom trước và zoom sau gần như không khác biệt. Thậm chí trong điều kiện ánh sáng không thuận lợi, ảnh từ việc zoom số trước khi chụp cho chất lượng khá tồi. Điều này là do tính chất của việc zoom hình (cũng như chụp ảnh với ống tele), đó là độ phóng đại càng lớn, độ rung càng cao. Nghĩa là chỉ cần một rung động nhỏ của tay khi chụp hình cũng có thể khiến bức hình đó bị rung, nhoè mờ. Khả năng xử lý của máy khó mà giải quyết được.
Chẳng hạn như trong bức hình này, thay vì phóng to để chụp, bạn có thể chụp, sau đó phóng to. Kết quả thu được vẫn tương tự mà lại tránh được những rủi ro trong quá trình chụp.
Vậy khi nào thì nên sử dụng zoom số?
Khi muốn chụp ảnh lấy ngay, không qua các bước chỉnh sửa, cắt gọt (crop). Chúng ta có thể zoom lên, căn bố cục và giữ tay thật chắc trước khi bấm chụp để ra bức ảnh tốt nhất có thể và sử dụng luôn.
Khi bạn muốn đo sáng hoặc lấy nét vào những điểm nhỏ: Với những điện thoại màn hình nhỏ như iPhone, ngón tay quá lớn có thể khiến chúng ta chạm để lấy nét không chuẩn; hoặc những chủ thể có độ tương phản không cao, máy không thể lấy nét. Khi đó, bạn có thể zoom lên, khoá nét sau đó thu về kích thước ban đầu để chụp.
Camera "nhiều chấm" và xử lý zoom tốt: Trước đây, chiếc 808 Pureview của Nokia với camera 41MP hỗ trợ rất tốt cho việc zoom số. Với lợi thế “nhiều pixel”, máy có thể sử dụng những điểm ảnh đó để bù đắp vào những điểm ảnh còn thiếu khi zoom, chính vì vậy ảnh thu được có chất lượng rất tốt.
Camera với số MP càng lớn thì chất lượng ảnh khi zoom số hay crop càng cao.
Còn cách nào để phóng to đối tượng mà không zoom số không?
Sử dụng các ống kính gắn thêm: Phụ kiện cho điện thoại giờ phát triển khá mạnh và trong số này, không ít các ống kính tele dành riêng cho smartphone. Do tính chất quang học của mình, chúng có thể phóng lớn bức hình với chất lượng tương đối tốt (phụ thuộc chất lượng thấu kính).
“Zoom bằng chân”: Đó là thay vì đứng một chỗ để chụp đối tượng, bạn hãy di chuyển lại gần đối tượng hơn. Đây là cách đơn giản mà hiệu quả nhất để có thể chụp cận cảnh đối tượng mong muốn, chưa kể đến việc chúng ta sẽ có những góc ảnh mới mẻ khi di chuyển.
Dùng phần mềm chuyên dụng để zoom: Với những đối tượng khó tiếp cận, bạn buộc phải chụp theo phương pháp bình thường, sau đó mang sử dụng máy tính để zoom lớn lên. Các ứng dụng (chẳng hạn như Perfect Resize) có thể phóng lớn bức hình mà vẫn giữ được chất lượng khá tốt.
Tất nhiên sẽ tuỳ từng hoàn cảnh mà người chụp có những cách của riêng mình để thu được bức ảnh mong muốn. Bạn có thể tiến sát lại gần đối tượng hoặc dùng 2 ngón tay để phóng to chúng trước khi bấm máy. Tuy nhiên, khi mà khả năng của thiết bị còn bị giới hạn như hiện nay, có lẽ việc zoom số khi chụp hình là điều nên hạn chế.
Thay vào đó, chúng ta có thể sử dụng các thiết bị có khả năng zoom quang học, ống kính tele cho điện thoại hoặc dùng các ứng dụng hậu kỳ để phóng to. Kết quả thu được hầu hết sẽ tốt hơn việc lạm dụng zoom số.