Và trong khi thị trường di động hiện nay tràn ngập đủ loại thiết bị có thể thực hiện tốt mọi tác vụ nói trên, có một thiết bị được yêu thích bởi mọi người từ những nhóc tuổi teen cho đến những CEO các tập đoàn hàng đầu thế giới: iPhone. Chiếc smartphone của Apple được người Mỹ sử dụng rộng rãi đến mức nó đã trở thành cái tên quen thuộc với mọi gia đình, như Sharpie hay Kleenex vậy. Nó là một sản phẩm đã ngăn đôi thị trường smartphone thành hai nửa rất rõ ràng: một bên là iPhone, bên kìa là... mọi thứ khác. Làm thế nào mà Apple đã làm được điều đó, và tại sao có quá nhiều người muốn iPhone đến vậy, kể cả khi họ không nhất thiết cần nó?
Thương hiệu Apple
Dù yêu hay ghét, bạn cũng phải thừa nhận rằng Apple là một trong những thương hiệu quyền lực nhất thế giới, và dù hiện nay, Apple thành công trên toàn cầu chủ yếu nhờ vào smartphone, công ty này thực ra đã nổi tiếng và được yêu thích rất lâu từ trước khi chiếc iPhone đầu tiên ra mắt vào năm 2007. iPod từng là một chiếc máy chơi nhạc MP3 "phải có" và đã bắt đầu một cuộc cách mạng âm nhạc di động. Trong khi đó, các dòng máy tính desktop của Apple lại hiện diện khắp mọi nơi, từ phòng ngủ của lũ nhóc, đến các phòng lab máy tính của các trường đại học, còn MacBook thì được sử dụng rộng rãi trong các cuộc họp của giới doanh nhân và trên giảng đường đại học.
Dù mọi người sử dụng các sản phẩm của Apple bởi chất lượng của chúng, một lý do lớn khiến họ chọn Apple trước tiên là bởi chiến lược marketing tài tình của công ty. Các quảng cáo của Apple luôn cho thấy những con người hợp thời trang, phong cách, thành đạt, và nhấn mạnh vào việc những sản phẩm của hãng đã giúp mọi việc trở nên dễ dàng như thế nào. Ai mà không muốn điều đó, đúng không? Bên cạnh quảng cáo, Apple còn sử dụng nhiều phương thức khác để tăng cường khả năng nhận diện thương hiệu. Công ty tặng các sản phẩm miễn phí cho các công ty sản xuất TV và sản xuất phim để sử dụng trong các cảnh quay, khiến chúng phổ biến trên màn ảnh hơn cả ngoài đời thực. Apple còn giảm giá nếu người dùng mua thiết bị với số lượng lớn phục vụ mục đích giáo dục. Các trường đại học, đội ngũ nhân viên của họ, và sinh viên, đều có thể tận dụng điều này, qua đó mang lại cho Apple một mức thị phần đáng kể trong thị trường giáo dục màu mỡ.
Đừng quên các cửa hàng Apple. Những công trình thường được gọi là "ngôi đền" của công ty này luôn tuân theo phong cách thẩm mỹ sáng sủa và tối giản của thương hiệu, và có thiết kế độc đáo đến mức Apple đôi khi còn đăng ký bằng sáng chế với một vài yếu tố của các cửa hàng này.
Sự kết hợp của mọi thành tố trên cho thấy iPhone ngay từ khi mới xuất hiện đã là một phần trong một gia đình nổi tiếng. Những lợi thế này khiến iPhone có một khởi đầu thuận lợi, nhưng tất nhiên, phần còn lại của con đường đi đến thành công đều do nó "tự lực cánh sinh" mà đạt được.
Hệ sinh thái Apple
Một trong những tính năng tốt nhất của iPhone là tính thống nhất của nó với hệ sinh thái Apple. Dù bị mỉa mai là một "khu vườn đóng" bởi sự kiểm soát nghiêm khắc của Apple, nhưng hệ sinh thái chặt chẽ này cũng cho phép tối ưu hóa phần mềm tốt hơn và dễ sử dụng hơn. Người dùng phụ thuộc vào các sản phẩm của Apple cho mục đích cá nhân có thể tận hưởng một trải nghiệm không chút phức tạp khi phối kết hợp giữa các thiết bị với nhau.
Việc sử dụng kết hợp giữa các sản phẩm Apple là điều hết sức phổ biến trong các hộ gia đình tại Mỹ
Tính nghiêm ngặt trong môi trường của Apple còn vượt trên cả người dùng cá nhân. Các chương trình như iMessage có thể tạo ra một hố sâu ngăn cách giữa người dùng iPhone và người dùng Android. Không hiếm các trường hợp người ta buộc phải tiếp tục sử dụng iPhone vì không muốn bị "ra rìa" trong các cuộc trò chuyện nhóm trực tuyến, khi mà bạn bè họ đều thuộc về "đội quân bong bóng xanh" iMessage.
Với mỗi sản phẩm Apple mà người dùng mua về, họ lại càng lún sâu vào hệ sinh thái Apple. Ngay cả khi các hãng sản xuất khác tung ra một sản phẩm tốt hơn, dù là smartphone hay smartwatch, người dùng Apple cũng ít có khả năng "chuyển hệ", bởi họ sẽ mất đi mối liên kết với các sản phẩm khác đang sở hữu.
Sức mạnh của chính iPhone
Dù chiếc iPhone nguyên bản không phải là thiết bị đầu tiên có màn hình cảm ứng, nhưng nó lại tiên phong trong việc biến trải nghiệm màn hình cảm ứng trở nên trực quan và dễ sử dụng. Mọi thứ ngày nay được xem là chuyện "thường ngày ở huyện" trên smartphone như cuộn nhanh xuống dưới trang bằng thao tác vuốt nhanh, hay vuốt để mở khóa... đều lần đầu được giới thiệu bởi iPhone. Apple khiến mọi người muốn dùng điện thoại đơn giản chỉ vì thích, và với nhiều người, là cảm giác được sử dụng một sản phẩm của tương lai.
Tất nhiên qua từng năm, Apple đã tung ra nhiều mẫu iPhone với những điểm mạnh và điểm yếu riêng, nhưng nhìn chung, cốt lõi của iPhone vẫn như ngày nào. Đầu tiên là cảm giác xa xỉ. Khi bạn cầm nó trong tay, bạn có thể nhận ra nó là một sản phẩm cao cấp, được sản xuất tốt, sử dụng các vật liệu chất lượng, và có thiết kế thanh lịch.
Không chỉ vẻ ngoài, nhờ những linh kiện cao cấp bên trong, iPhone mang lại hiệu năng tuyệt vời kể cả khi xử lý những tác vụ đòi hỏi tài nguyên cao, như chơi game chẳng hạn. Về mặt camera, iPhone luôn là gã khổng lồ mà mọi đối thủ cố gắng hết sức để đánh bại (và đôi lúc giành được chiến thắng). iPhone là kẻ tạo nên xu thế trên thị trường di động, và thiết kế của nó thường được các hãng khác sao chép lại. Do đó, khi một nhóm người đặt điện thoại của họ lên bàn, nếu một người có iPhone XS, trong khi người kia có chiếc Asus ZenFone 5 với vẻ ngoài tương tự, ai mặc nhiên sẽ được đánh giá là có địa vị xã hội cao hơn? Đúng, nghe thật nông cạn, nhưng lại là một thực tế xã hội!
Mức giá cao cấp
Để có được những điều nêu trên, bạn phải chấp nhận trả giá, theo nghĩa đen. Các thiết bị của Apple luôn có mức giá khá cao, và dù ngày nay hầu hết các đối thủ trên thị trường smartphone cũng có những thiết bị với mức giá tương tự, mọi người vẫn sẽ nghĩ đến từ "đắt" nhiều hơn khi họ thấy chiếc iPhone mới nhất so với bất kỳ thiết bị flagship nào khác. Apple cũng chẳng ngại ngùng gì về điều này, và trên thực tế, họ gọi các mẫu máy giá thấp nhất của mình là "ít đắt hơn" chỉ để ngăn từ "rẻ" xuất hiện trong từ điển của Apple. iPhone được bán với mức lợi nhuận biên cao nhất, và công ty cực kỳ hạnh phúc khi đi theo con đường đó. Mọi người thường nhìn nhận rằng một sản phẩm có chất lượng ưu việt dựa trên mức giá cao hơn của nó. Và tại Mỹ, nơi suy nghĩ "luôn muốn bắt kịp người khác" là có thật, thì sở hữu chiếc iPhone mới nhất đồng nghĩa với việc bạn ngồi "chiếu trên" khi so về smartphone!
Yếu tố "sang chảnh"
Rất khó để miêu tả điều này, nhưng đây lại là một trong những yếu tố chính tạo ra sức hút của iPhone. Dù Apple đã bỏ ra rất nhiều nỗ lực (và tiền bạc) để tạo điều kiện cho yếu tố X này tỏa sáng, nhưng những gì nó chứng tỏ được qua nhiều năm đã vượt quá những giấc mơ điên rồ nhất mà không một chuyên gia marketing nào có thể mường tượng ra được.
Chúng ta đang nói về sự phổ biến của iPhone trong giới người nổi tiếng, diễn viên, nhạc sỹ, vận động viên, và đủ loại người của công chúng khác. Họ có thể bị bắt gặp đang sử dụng iPhone trong những bức ảnh mà cánh săn ảnh lượm lặt được, họ nhắc đến iPhone trong những bài phỏng vấn, đăng hình nó trên mạng xã hội... Chúng ta từng thấy logo Apple lập lòe ở mặt sau laptop của một DJ, hay chiếc iMac bóng loáng mà một YouTuber nổi tiếng với hàng triệu lượt theo dõi sử dụng để chỉnh sửa video. Dám chắc rằng những anh chàng sử dụng MacBook này cũng sử dụng một chiếc iPhone làm công cụ liên lạc hàng ngày. Apple đã trở thành một thương hiệu "phải dùng" không chỉ đối với giới sáng tạo, mà còn giới thể thao, doanh nhân, vân vân và vân vân. Điểm chung của những người này là nếu chúng ta biết về họ, có nghĩa họ hẳn phải thành đạt trong một số lĩnh vực nào đó, và đây chính là yếu tố mang lại cho iPhone "vầng hào quang" của sự sang chảnh.
Đôi lúc, một chiếc MacBook là chưa đủ
Và trong khi nhiều người nghĩ rằng những người nổi tiếng có sức ảnh hưởng lớn hơn bình thường, thì việc bắt chước theo những gì họ làm ngày nay đã có lịch sử từ thời sơ khai của loài người, khi những người nguyên thủy đầu tiên đeo một miếng da động vật xung quanh eo họ. Và khi một người nổi tiếng được thấy đang dùng iPhone, họ không chỉ đang quảng cáo không công cho Apple mà còn cho thấy một điểm chung kết nối giữa người nổi tiếng và những fan hâm mộ của hãng.
Dù chúng ta cũng thấy những người nổi tiếng lái Lamborghini và đeo túi Louis Vuitton, đó lại là những món đồ xa xỉ mà phần lớn những người bình thường không thể chi trả được. Còn một chiếc smartphone thì sao? Mọi người đều có một chiếc smartphone, do đó khi cần mua một chiếc điện thoại, tại sao không bỏ ra thêm 20 USD mỗi tháng để có được chiếc iPhone giống hệt ngôi sao yêu thích của bạn? Nó lại còn có phần cứng hàng đỉnh và điểm số benchmark cực cao nữa chứ, nhưng chắc hầu hết người dùng chẳng dùng được hết tiềm năng của nó đâu. Đó là lý do vì sao người ta gọi đùa iPhone X là "cỗ máy Facebook 1.000 USD".
Khi bạn nghĩ về điều đó, smartphone là một trong số ít các sản phẩm không thể ăn được mà người giàu và nổi tiếng mua từ cùng một nơi với bạn. Mua điện thoại iPhone cũng tương đương với việc ngồi vào bàn của các cậu ấm cô chiêu trong căng-tin trường trung học vậy, trừ việc rào cản ở đây không phải độ sang chảnh của bạn, mà túi tiền của bạn sâu đến mức nào.
Nỗi ám ảnh iPhone
Những điều trên dẫn đến một hiện tượng kỳ quặc, khi mà người ta - những người mà tầm giá iPhone đơn giản là nằm ngoài tầm với của họ - sẵn sàng hi sinh một thứ gì đó chỉ để có được thiết bị mới nhất của Apple. Mua một món đồ công nghệ chỉ để bản thân trong ngon lành hơn nghe có vẻ kỳ lạ với một số người, nhưng trí óc là thứ dễ bị đánh lừa, và mọi người có lẽ thực sự cảm thấy tốt hơn khi có một chiếc iPhone, trong khi bản thân thì "nhịn đói ăn mì gói". Cuộc sống ngày nay như một guồng xe xoay quanh những chiếc smartphone, và một thiết bị đắt tiền là một ốc đảo cho phép bạn tạm thời trốn tránh những muộn phiền của chính mình. Và còn gì tuyệt hơn việc lướt Instagram của người nổi tiếng trên cùng chiếc điện thoại mà họ đã dùng để đăng những bức ảnh đó?
Một vài thứ thậm chí còn khó giải thích hơn, là những hàng người xếp dài trước các cửa hàng Apple. Người ta đôi lúc dành nhiều ngày trời cắm trại trên đường trước ngày iPhone mới ra mắt chỉ để mua được nó sớm hơn vài ngày so với việc đặt hàng online. Giống như mọi người đang tụ tập để đợi xem một bộ phim Star Wars mới, hơn là chen chúc để mua một thiết bị mới ra mắt đều đặn mỗi năm.
Tại sao phải ngồi nhà thoải mái đặt hàng online khi bạn có thể oằn mình xếp hàng giữa giá lạnh?
"Tôn giáo" tuyệt đối trung thành này không thể đạt được đơn thuần thông qua marketing. Và phần cứng cũng không thể làm được điều đó. Hiện nay, điện thoại Android đã ngang bằng hoặc vượt qua những chuẩn mực chất lượng của iPhone, nhưng yếu tố "sang chảnh" vẫn nghiêng về phía Apple. Sự kết hợp của mọi yếu tố chúng ta đã nói ở trên đã biến Apple trở thành hơn cả một công ty công nghệ: họ nay tiến gần hơn đến việc trở thành một công ty phong cách sống, bán các sản phẩm công nghệ để hỗ trợ cho phong cách sống đó. Công đồng khách hàng vững mạnh mà Apple đã tạo ra không chỉ cho phép họ thu về những khoản lợi nhuận tài chính khổng lồ, mà còn mang lại cho họ những thứ mà các hãng sản xuất khác phải chi bộn tiền nếu muốn có được. Người ta bảo vệ Apple, đôi lúc đến mức vô lý, không phải bởi đó là thương hiệu của chiếc smartphone họ đang dùng, mà bởi đó như một "bộ tộc" họ thuộc về. Và một cuộc tấn công vào bộ tộc cũng là một cuộc tấn công vào họ.
Tất nhiên, phía Android cũng có những cộng đồng thương hiệu mạnh mẽ: bên cạnh Samsung, thương hiệu Trung Quốc là Xiaomi và OnePlus có những người dùng rất trung thành. Điểm khác biệt là đối với họ, quan trọng là thiết bị có thể làm được gì, không phải nó đại diện cho điều gì trong xã hội.
Cuộc tranh cãi Apple vs Samsung thường xuyên bị các fan của cả hai thương hiệu "đổ thêm dầu vào lửa"
Rất khó để chỉ rõ từ khi nào smartphone đã trở thành một yếu tố quan trọng đến vậy trong cuộc sống của chúng ta, nhưng nhờ vào sự hữu dụng và vòng đời tương đối ngắn của chúng, việc mua điện thoại đã trở thành một trong những quyết định chi tiêu quan trọng người ta đưa ra. Và những yếu tố người ta suy xét khi đưa ra quyết định đó có thể rất khác biệt đến nỗi mọi người đôi lúc... "vung tay múa chân" với nhau bởi quan điểm khác biệt về smartphone.
Và trong khi những yếu tố như "mọi người sẽ nghĩ gì nếu tôi mua chiếc điện thoại này?" nghe có vẻ ngớ ngẩn và hời hợt với một số người, loài người chúng ta đã luôn chứng mình rằng hình ảnh mà chúng ta theo đuổi có ảnh hưởng lớn lên hành động của chúng ta. Đôi lúc, chỉ cần chuyển dịch góc nhìn một chút theo một hướng khác cũng đã đủ để hiểu được hành vi mà ban đầu có vẻ vô lý hoặc khó hiểu. Với một số người, một chiếc iPhone chỉ là một biểu hiện cho sự đắt đỏ của chủ nghĩa tư bản, nhưng với số khác, đó là một thế giới vượt ngoài tầm với của họ. Và điều quan trọng là, hai trạng thái này không loại trừ lẫn nhau.
Theo vnreview.vn
Một số mẫu iPhone XR 'cháy hàng' sau khi cho đặt trước
(Techz.vn) Chỉ 30 phút sau khi Apple cho phép đặt hàng iPhone XR, một số phiên bản màu rơi vào tình trạng hết hàng.