Nhịp sống số

Điện thoại thương hiệu Việt đã tự giết mình

Điện thoại thương hiệu Việt đã tự giết mình

Tô Bá Huy - TP.HCM: “Bỏ 3-4 triệu ra để mua một hiệu ĐT của TQ thật phí tiền. Cầm đt này ra đường "chọt chọt" có mà phát NHỤC (đề nghị giữ nguyên từ này khi đăng lên để thể hiện chính xác ý muốn diễn tả của tôi). Thà không có smartphone dùng, dùng cái 1280 của Nokia còn bảnh tỏn hơn. Hay hiện tại Samsung, Sony, LG cũng có smartphone giá rẻ đó thôi”.

 


Đây là một cái comment ở bài giới thiệu 2 chiếc điện thoại thương hiệu Viêt Q-Mobile trên ICTnews vừa qua. Nhìn cái comment này mình chợt hỏi: Nokia là thương hiệu điện thoại của Phần Lan, tuy nhiên cầm cái điện thoại lên sẽ thấy Made in China hay ngay cả iPhone hay nhiều hãng khác cũng Made in China, không biết mọi người có nghĩ gì không.

Ở Việt Nam, hai thương hiệu điện thoại Việt mạnh nhất còn lại là Q-Mobile và Mobistar khi họ vừa tung hàng loạt smartphone giá rẻ trong thời gian gần đây để gỡ gạc lại tình hình kinh doanh sau một thời gian điêu đứng, còn FPT Mobile thì đang không còn hứng thú và đã mời lại cả người ta mua kho ứng dụng F-Store.

Tại sao người ta lại có suy nghĩ và comment như trên và tại sao điện thoại thương hiệu Việt đang điêu đứng trên thị trường, câu trả lời của dân làm trong ngành đều hiểu cả và chính họ tự gây ra cho mình thảm cảnh vào ngày hôm nay.

Cũng xin chỉnh lại cái comment của độc giả ở trên về điện thoại thương hiệu Việt và chỉ cho độc giả ấy biết cái điện thoại này nó khác điện thoại Tàu chỗ nào. Trong cái điện thoại của Q-Mobile và Mobistar thực tế có sự đóng góp của họ trong đó về nghiên cứu, thiết kế cũng như tích hợp tính năng, dịch vụ giá trị gia tăng... Họ làm R&D và đem chất Việt phủ lên cái điện thoại chiếm đến 70%, còn 30% thì phải đưa ra nước ngoài để làm về phần cứng (số liệu này do ông Nguyễn Quang Minh, Tổng giám đốc Q-Mobile đưa ra). Vì thực tế, nếu bỏ tiền xây dựng nhà máy ở Việt Nam và sản xuất những chiếc điện thoại đó trong nước họ hoàn toàn không có lực để làm điều đó. Hơn nữa, tại sao phải sản xuất trong nước khi chuyển sang Trung Quốc gia công sẽ có giá rẻ hơn rất nhiều, đó cũng là một lí do hợp lí.

Tại sao nói họ tự gây ra thảm cảnh cho mình vào ngày hôm nay, cũng xin đưa một vài hiểu biết của mình giải thích cho mọi người hiểu.

Q-Mobile ra đời từ năm 2008 và trong thời điểm từ 2008 – 2010 được xem là thời hoàng kim của thương hiệu điện thoại này. Đánh vào phân khúc 2 sim 2 sóng giá rẻ mà các hãng lớn như Nokia, Samsung, LG, Sony Ericsson…lúc đó chưa chú trọng ở các dòng sản phẩm này, Q-Mobile đã thành công nhanh chóng và lúc đó kinh doanh điện thoại thương hiệu Việt được xem là “con gà đẻ trứng vàng”, bán với giá lời gấp rưỡi, gấp đôi từ một chiếc điện thoại 2 sim 2 sóng dưới 2 triệu đồng lúc đó là điều lúc nào cũng diễn ra.

Với việc kinh doanh lên như diều gặp gió, lúc đó ông Nguyễn Quang Minh, Tổng giám đốc Q-Mobile đã xưng hùng, xưng bá và đòi đối đầu với cả Nokia nhằm thống trị thị trường điện thoại giá rẻ trong nước ở phân khúc này vào thời điểm đó.
Và lúc đó, việc kinh doanh quá phát đạt đã khiến cho ông xem nhẹ về mặt truyền thông thương hiệu mà chỉ lao vào kiếm tiền. Ông Minh rất hiếm khi trả lời các câu hỏi từ trueyenf thông, thậm chí nhiều lúc ông còn hỏi nhân viên của mình trả lời những câu hỏi từ giới truyền thông để làm gì….Ông cũng không chú trọng đến việc làm truyền thông cho thương hiệu Việt Q-Mobil của mình mà thay vào đó chỉ biết bán hàng và bán hàng.

Chính điều này đã dẫn đến một hệ lụy, bởi lúc này thị trường điện thoại thương hiệu Việt rất lẫn lộn, thấy kinh doanh có lời như thế, với tâm lí bầy đàn của người Việt, đã có hàng loạt người nhảy vào kinh doanh lĩnh vực này. Tuy nhiên, những người làm kinh doanh thương hiệu Việt đúng nghĩa như Q-Mobile lại chỉ đếm trên đầu ngón tay như Mobistar, FPT Mobile…thay vào đó, hàng loạt các công ty nhỏ lẻ, các cá nhân kinh doanh theo kiểu sang bên các nhà máy sản xuất điện thoại nhái, chất lượng kém ở các thành phố như Thẩm Quyến của Trung Quốc, mua một lô hàng về dán nhãn thương hiệu của mình vào bán ra thị trường, thậm chí một số còn để nguyên thương hiệu Trung Quốc và bán ra tràn ngập. Kể về vấn đề này, lãnh đạo của một hãng điện thoại thương hiệu Việt kể một câu chuyện rất vui là, lúc đó có vợ chồng ở miền Tây, chồng tên Bển và vợ tên Em, họ đưa điện thoại từ Trung Quốc về và lập nên thương hiệu BE.

Việc kinh doanh ồ ạt như trên và không chú trọng truyền thông thương hiệu từ những người làm điện thoại thương hiệu Việt, đã khiến cho người dùng không thể phân biệt đâu là điện thoại thương hiệu Việt và đâu là điện thoại thương hiệu Trung Quốc. Cuối cùng rất nhiều người đã đánh đồng cả hai làm một và khiến cho cái “dị ứng” về điện thoại Trung Quốc ở comment trên đã xảy ra.

Đồng thời việc đó cũng dẫn đến một hệ quả là khi các hãng lớn như Nokia, Samsung, LG, quay trở lại phân khúc giá rẻ, các hãng điện thoại thương hiệu Việt bắt đầu giãy chết và thua toàn tập trên thị trường bởi uy tín thương hiệu của họ quá lớn. Nokia được xem là hãng giết chết điện thoại thương hiệu Việt nhanh nhất khi với uy tín thương hiệu của mình, hãng đã liên tục tung ra các sản phẩm 2 sim 2 sóng giá rẻ chất lượng và chỉ một thời gian ngắn, Q-Mobile và nhiều hãng điện thoại khác đã ngấm đòn, một số hãng đã phải xóa bỏ tên mình ra khỏi bản đồ điện thoại thương hiệu Việt.

Bên cạnh đó, việc không xác định được hướng đi kịp thời đại đó là tập trung vào smartphone giá rẻ cũng đã khiến cho các hãng điện thoại thương hiệu Việt đến thời điểm này, mặc dù đã chuyển hướng nhưng vẫn rất lao đao. Vào thời điểm Q-Mobile ra S10, nhiều người đã nghĩ sẽ có nhiều thay đổi, nhưng ngay sau đó họ lại bất ngờ bỏ dòng smartphone quay ra sản xuất lại các dòng giá rẻ cảm ứng để chơi game, nghe nhạc…mà theo họ là phân khúc tiền smartphone, vô tình lại tự giết mình thêm lần nữa. Bởi lúc đó, ông lớn Samsung đã quyết định nhảy vào tham chiến ở phân khúc này và với Galaxy Y họ gần như loại sạch cái phân khúc điện thoại thương hiệu Việt được gọi là tiền smartphone đó.

Và đến lúc sắp chết, các hãng điện thoại thương hiệu Việt mới bắt đầu tính đến chuyện thay đổi, khi mới đây việc Mobistar liên tục tung ra các dòng smartphone giá rẻ như S01, S02, K43E, hay Q-Mobile tung ra S11, S15 hay sắp tới là S22, S18…Tuy nhiên, sự thay đổi muộn màng này không có nghĩa họ đã thoát được cơn “bĩ cực” trong thời gian qua, bởi Samsung mặc dù vẫn đang cạnh tranh ở phân khúc cao cấp nhưng họ vẫn không quên ra các sản phẩm ở phân khúc này.

Bên cạnh đó, việc không chú trọng truyền thông về thương hiệu như trên, đã khiến cho nhiều người dùng vẫn rất ác cảm về câu chuyện điện thoại Hồ Cẩm Đào, cho nên họ đã không ủng hộ hàng Việt. Thách thức cho Q-Mobile và Mobistar và điện thoại thương hiệu Việt vẫn còn nằm ở phía trước và nếu không có sự thay đổi kịp thời ở cả truyền thông, lẫn sản phẩm, thì việc các hãng điện thoại thương hiệu Việt bị “khai tử” hay bán thương hiệu lại là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Mời bạn xem thêm: 4 smartphone giá rẻ cho người thu nhập thấp 

Tác giả Lê Mỹ