Điểm chung bất ngờ giữa mâu thuẫn dẫn tới vụ ly hôn nghìn tỷ của vợ chồng "vua cà phê" Trung Nguyên và mặt yếu nhất của Thế giới di động
Bất đồng từ thay đổi cấu trúc của Trung Nguyên
Câu chuyện ly hôn của hai vợ chồng nhà sáng lập Trung Nguyên vẫn nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận. Tâm điểm của vụ ly hôn này nằm ở việc phân chia khối tài sản chung có trị giá lên đến vài nghìn tỷ đồng của 2 người. Sau phân chia tài sản, bên nào có được số cổ phần cao hơn đương nhiên sẽ có lợi thế trong việc kiểm soát và điều hành Tập đoàn Trung Nguyên.
Cách đây không lâu, sau một thời gian dài im lặng, chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ cũng từng chia sẻ nguy&eciecirc;n nhân gây nên rạn nứt giữa hai người. Theo ông Vũ, trục trặc giữa ông và bà Thảo xảy ra khi ông nhận thấy Trung Nguyên không thể vận hành như cũ, phải cơ cấu lại để làm mới mình.
Dưới cách nhìn của mình, ông cho rằng Trung Nguyên phải rũ bỏ câu chuyện kiếm tiền đơn thuần để làm những điều lớn lao hơn cho cà phê, cho đất nước. Công ty này phải dành lợi nhuận tái đầu tư để làm mới và phát triển, chứ không phải nhăm nhăm kiếm tiền theo kiểu con buôn.
Ông Vũ cho biết ông thấy không ổn khi bà Thảo vẫn vận hành theo kiểu cũ. Ông cũng không đồng tình với ứng xử kiểu chủ - tớ của vợ mình trước thuộc cấp, ép nhiều người trẻ có năng lực phải rời bỏ công ty. Từ đó, ông khuyên vợ lui về chăm sóc, nuôi dạy con cái cho chu đáo, đó cũng là cách để Trung Nguyên tháo điểm nghẽn nhân sự và quan điểm cũ, chuẩn bị cho chiến lược phát triển mới.
Thay đổi cấu trúc của một doanh nghiệp vốn đang vận hành ổn định, đứng đầu thị trường chính là nguyên nhân gây bất đồng. Điều này cũng phù hợp với quy luật triết học khi đủ sự biến đổi về lượng sẽ dẫn đến sự biến đổi về chất. Việc thay đổi cấu trúc sẽ giúp cho một doanh nghiệp thay đổi cách tiếp cận, định hình lại văn hóa công ty, từ đó đưa tổ chức lên một tầm cao mới.
Tuy nhiên việc thay đổi cấu trúc cũng vấp phải những bất lợi đặc biệt là sự phản ứng nội bộ từ phía nhà đầu tư, cổ đông. Ngoài ra những nhân viên trong nội bộ doanh nghiệp cũng sẽ mang cảm giác bất an, hoảng loạn trước nỗi lo mất việc. Điều này khiến họ bắt đầu tìm kiếm việc làm mới, làm mất tập trung của họ vào công việc hiện tại. Những tổn thất này gây tổn hại tới danh tiếng, tài sản của công ty sụt giảm.
Điểm yếu của Thế giới di động
Điểm nghẽn gây ra mâu thuẫn ở Trung Nguyên qua lời kể của ông Vũ nếu xem xét kỹ sẽ có sự tương đồng với vấn đề mà Thế giới di động từng gặp phải cách đây 20 năm, chỉ khác về mức độ ảnh hưởng.
"Mặt yếu của chúng tôi là hình như tổ chức này rất khó đón nhận những người ban ngang từ bên ngoài vào. Chúng tôi cho rằng đó là mặt yếu nhất của mình", Chủ tịch Thế giới di động Nguyễn Đức Tài từng chia sẻ trong một buổi giao lưu cách đây khá lâu.
Ông Tài dẫn chứng rằng hiện tại toàn bộ quản lý cửa hàng hay đội ngũ cấp cao của Thế giới di động đều được thăng tiến trong nội bộ lên, 99% đội ngũ quản lý của công ty thăng tiến từ trong nội bộ. Có những người 5 năm, có người 7 năm. Thậm chí có quản lý cửa hàng nhanh nhất là 6 tháng cũng được thăng chức lên. Tuy nhiên lại có những người ban ngang ở ngoài được cất nhắc nhưng mức độ tiếp nhận hòa nhập văn hóa không thành công.
Minh chứng điển hình nhất cho điểm yếu này là giai đoạn 1998-1999 khi Thế giới di động bước vào giai đoạn tăng trưởng. Để đáp ứng nhu cầu nhân sự, công ty này tiến hành "săn người giỏi" tại các tập đoàn thậm chí tập đoàn nước ngoài.
Tuy nhiên sau một thời gian nhìn lại sau 1 năm họ không trụ lại được, họ tiếp tục bỏ Thế giới di động ra đi và phần lớn là quay lại với các doanh nghiệp nước ngoài. Từ đó ông Tài thấy con đường này không phù hợp với Thế giới di động và từ đó không đi theo hướng này nữa mà tập trung vào nhân sự nội bộ.
"Chúng tôi cũng chưa biết giải quyết bài toán này như thế nào? Đến một lúc nào đó chúng tôi cũng cần phải có những nhân tố mới", chủ tịch Nguyễn Đức Tài thừa nhận điểm yếu của chính sách nhân sự Thế giới di động.
"Thay đổi là tốt, miễn là nó nằm trong tầm kiểm soát", tỷ phú nổi tiếng Richard Branson từng đưa ra lời khuyên về câu chuyện tái cấu trúc. Theo ông dù cho bạn có làm đúng tất cả mọi thứ thì đôi khi, bạn vẫn phải đưa công ty của mình đi theo một hướng mới vì hoàn cảnh và cơ hội đã thay đổi. Các công ty không hề được đảm bảo tương lai – không công ty nào tồn tại mãi mãi.
Tuy nhiên những nhà quản lý theo dõi bất kỳ cuộc sáp nhập hay tái cấu trúc nào cần tìm cách truyền cảm hứng cho nhân viên để họ tư duy như một doanh nhân. Dù bạn làm gì, hãy đối xử với họ như những người trưởng thành. Lương tâm của một con người luôn là người đốc công tốt nhất, vì vậy, bạn trao cho mọi người càng nhiều trách nhiệm, họ càng làm việc tốt.
Ngoài ra, theo Richard Branson các chủ doanh nghiệp cần tập hợp được mọi người lại theo cách khiến họ trao đổi ý tưởng, kết bạn với nhau, chăm sóc lẫn nhau và cuối cùng, họ sẽ lại đem đến cho bạn các giải pháp và ý kiến tuyệt vời.
Tất nhiên thay đổi cấu trúc Trung Nguyên cần thời gian để kiểm chứng như Thế giới di động cách đây 20 năm. Đây cũng là quyết định khó nhất trong điều hành một doanh nghiệp. Sự thay đổi cấu cấu trúc nội bộ nếu được quản trị tốt sẽ giúp doanh nghiệp bước lên tầm cao mới ít ai ngờ tới.
Theo: Trí Thức Trẻ, Cafebiz
Doanh nghiệp Việt từ “thua trận” đến tự giết chết thương hiệu
(Techz.vn) Hội nhập kinh tế thế giới, thương trường Việt chào đón những ông lớn quốc tế tham gia cuộc chơi tìm kiếm lợi nhuận, tăng cường sức cạnh tranh và giúp người tiêu dùng có nhiều lựa chọn. Tuy nhiên, trước sức mạnh và áp lực từ doanh nghiệp nước ngoài, nhiều thương hiệu Việt dần “thua trận” tự giết chết thương hiệu của mình...