Nhịp sống số

Thế giới di động đang… bị điên?

Thế giới di động đang… bị điên?
 

Kẻ tuyên bố từ giã cuộc chơi, kẻ cố sống cố chết quay lại, kẻ nhảy vào sân chơi này bất chấp việc trở thành địch thủ của đối tác, các vụ kiện cáo thì tùm lum khắp nơi…

Có lẽ nhiều người sẽ phải dùng đến một tính từ khá mạnh là “điên” để có thể miêu tả một cách chính xác hiện trạng của thị trường công nghệ di động thế giới hiện nay. Những thông tin, thông báo trái ngược nhau liên tục xuất hiện trong một khoảng thời gian ngắn khiến người ta chẳng thể hiểu nổi các “tay chơi” trên thị trường di động thế giới đang làm gì nữa.

HP – ra đi trong vinh quang?

Một trong những tin tức gây sốc nhất trên thị trường công nghệ thế giới những ngày vừa qua chính là việc HP bất ngờ tuyên bố sẽ chính thức ngừng sản xuất và bán ra tất cả các loại thiết bị điện toán di động bao gồm cả máy tính xách tay (laptop), máy tính bảng (tablet) hay điện thoại thông minh (smartphone).

Không thể không sốc bởi ai cũng biết, trong lĩnh vực điện toán, HP vẫn là hãng sản xuất máy tính lớn nhất thế giới và trong một tương lai gần chưa có đối thủ nào có thể hy vọng cướp được ngôi của họ. Trên sân chơi di động, họ đã mua lại Palm, đã sở hữu hệ điều hành webOS, đã có máy tính bảng và smartphone. Nhưng rốt cuộc, sau tất cả những gia tài quý báu ấy và những nỗ lực trong vài năm qua, HP vẫn quyết định rũ bỏ tất cả, thậm chí họ còn đang chuẩn bị cấp các giấy phép bản quyền sử dụng hệ điều hành webOS cho những nhà sản xuất thiết bị khác.

Lý do nào đã khiến HP vội vã rời bỏ cuộc chơi như vậy? Phải chăng họ đã “đánh hơi” thấy mùi nguy hiểm? Quả là những câu hỏi khó trả lời.

Fusion Garage – Trở lại bằng mọi giá

Một số người ắt còn nhớ hồi năm 2008, Michael Arrington - nhà sáng lập của trang blog công nghệ nổi tiếng nhất thế giới TechCrunch đã quyết định hợp tác cùng với một hãng thiết kế Singapore có tên là Fusion Garage để tiến hành dự án sản xuất một mẫu máy tính bảng giá rẻ, chạy trên nền web (CrunchPad).

Nhưng khi dự án này sắp sửa hoàn thành thì Fusion Garage đã trở mặt “đá đít” Arrington ra khỏi dự án để ra mắt mẫu sản phẩm đó dưới một tên gọi khác (JooJoo). Có điều, JooJoo chưa kịp hạ thủy đã chìm nghỉm nhanh đến mức người ta thậm chí còn chưa kịp đọc xong cái tên của nó.

Hồi cuối tuần qua, Fusion Garage đã gây thêm một bất ngờ nữa khi tuyên bố sẽ tái xuất giang hồ bằng một phiên bản mới hơn, được cải tiến nhiều hơn JooJoo và một tên gọi mới: Máy tính bảng Grid10.

Các chuyên gia ngán ngẩm lắc đầu gọi đây là một vụ “cố đấm ăn xôi”.

Google – đối đầu với đối tác, bắt tay với… chính mình

Thế giới đang có 2 mô hình công ty phần mềm nền tảng di động. Loại thứ nhất là mô hình kiểu như Microsoft – chỉ phát triển hệ điều hành mà kêu gọi các nhà phát triển ứng dụng, các hãng sản xuất thiết bị gốc (OEM) cùng tham gia vào hỗ trợ nền tảng đó. Loại thứ 2 là mô hình kiểu của Apple – không cấp phép cho bất cứ ai sử dụng nền tảng iOS của mình và tự sản xuất cả phần mềm lẫn phần cứng rồi tung ra thị trường những sản phẩm hoàn chỉnh.

Nhưng Google muốn “chơi” cả 2 mô hình trên. Họ đang cấp phép sử dụng nền tảng Android khá thành công cho các OEM nhưng bằng việc bỏ ra 12,5 tỷ USD để thâu tóm Motorola Mobility đồng thời sẽ tiếp tục để công ty này hoạt động độc lập, Google cho thấy họ cũng đang tự biến mình thành một Apple thứ 2.

Theo tuyên bố của ông Tổng giám đốc hãng, hành động mua lại Motorola Mobility chỉ đơn thuần là sự củng cố sức mạnh và kho tàng bản quyền sáng chế công nghệ nhưng hiệu ứng mà thế giới đang được chứng kiến là Google đang tự biến mình thành kẻ đối đầu với chính những đối tác rất thân thiết của họ từ xưa đến nay như HTC, Samsung, LG, Sony Ericsson…

Và nếu Motorola Mobility sẽ tiếp tục sản xuất smartphone, máy tính bảng chạy Android, Google sẽ trở thành đối tác của… chính mình. Sự việc khá hy hữu trong làng công nghệ.

Điên cuồng vì kiện tụng

Microsoft kiện Barnes & Noble, Foxonn và Inventec. Oracle kiện Google. Sony kiện LG. Samsung, Motorola, Nokia, HTC và Kodak đều đang đồng loạt tiến hành những vụ kiện riêng biệt với bị đơn là Apple. Trong khi đó, Apple cũng đang vác đơn đi kiện chính những hãng này ngoại trừ Kodak…

Để có thể chiến thắng những vụ kiện này hay đơn giản là có thể “nói chuyện sòng phẳng với các đối thủ trong cuộc đàm phán” các bên buộc phải có một hệ thống các bằng sáng chế công nghệ đủ sức nặng. Kết quả là một làn sóng thâu tóm, sáp nhập bùng nổ theo.

Chưa hết, ai cũng biết nhờ có chiến thắng (trước HTC và Amazon) trong vụ kiện trước đó, giờ đây Microsoft đang kiếm được từ chính Android một khoản tiền lớn hơn nhiều so với chính Google – hãng đã phát triển hệ điều hành này. Một tấm gương xấu đã được dựng lên và đẩy các hãng công nghệ di động vào vòng xoáy của việc mua – bán các bản quyền sáng chế rồi mang chúng đi kiện tụng nhau thay vì tập trung vào công việc sáng tạo.

Ai gây nên nỗi?

Ngành công nghiệp di động đang ngày càng chứng tỏ được vị thế quan trọng của mình bởi những chiếc smartphone, tablet có vai trò ngày càng trung tâm trong đời sống của thế giới. Bên cạnh đó, sự thành công rực rỡ của Apple nhờ iPhone và máy tính bảng iPad cũng chính là một trong những nguyên nhân khác khiến tất cả các hãng di động “điên cuồng” lao vào cuộc chơi.

Thế giới hiện có hàng trăm hãng sản xuất thiết bị di động khác nhau, trong đó có cả những gã khổng lồ như Nokia, Samsung, LG, HTC… nhưng chỉ riêng Apple đã nuốt tới gần 2/3 tổng lợi nhuận của thị trường này. Nói cách khác, lợi nhuận mà Apple thu được từ smartphone và tablet cao gấp đôi tổng số lợi nhuận của tất cả các hãng khác gộp lại. Sự thành công này đã đưa Apple trở thành hãng công nghệ có giá trị lớn thứ 2 trên thế giới (hoặc thứ nhất tùy thuộc vào sự biến động của thị trường chứng khoán).

Apple thu lợi nhuận kỷ lục nhờ phần cứng, phần mềm (hệ điều hành) của mình, từ phần mềm ứng dụng của các nhà phát triển khác, từ nguồn thu của các nhà mạng và tất nhiên không thể bỏ qua những khoản lợi nhuận kếch sù từ quảng cáo di động. Gần 3/4 thu nhập của Apple đến từ chính những chiếc di động mà họ tung ra thị trường trong vài năm trở lại đây.

Nếu Apple có thể thành công đến thế thì ai ngăn cản được việc các hãng di động khác cũng muốn trở nên giàu có như họ bằng chính kiểu kinh doanh ấy?

Chẳng ai cả, ngoại trừ việc chính những hãng đó nhận ra rằng không phải cứ “vác mai đi đào” là sẽ có “khoai” ăn.

Nhưng có điều, ngày đó chắc là chưa thể tới. Minh chứng là Google đã mua Motorola Mobility, Fusion Garage quyết tâm quay trở lại và những lá đơn kiện tiếp tục bay tới tấp đến tòa án.