Nhịp sống số

Để laptop cũ luôn mới, bền bỉ

Để laptop cũ luôn mới, bền bỉ

Chăm sóc, bảo quản laptop cũ không khó nếu người dùng thật sự quan tâm và chuẩn bị phòng tránh trước những lỗi, bệnh thường gặp. Thậm chí, nếu muốn laptop cũ trông lúc nào cũng mới, đẹp và bền bỉ với thời gian cũng đơn giản không kém.

 




 

 

Ph&ogravograve;ng tránh và sửa chữa các lỗi thường gặp

 

Hỏng bản lề, đây là lỗi phổ biến, thường gặp nhất trên tất cả các dòng laptop. Phần bản lề thường xuyên chịu tác động lực đóng mở máy lại do cấu tạo khá mỏng (để đáp ứng yêu cầu thời trang) nên rất dễ bị gãy. Để bảo quản phần bản lề này, ngoài việc hạn chế đóng mở máy quá nhiều lần trong các trường hợp không cần thiết, bạn cần dùng thêm túi chống sốc để tránh va đập khi di chuyển nhiều. Khi phát hiện dấu hiệu bị nứt phần nhựa của bản lề, bạn nên nhanh chóng đi sửa chữa ngay. Vì lúc này, có thể chỉ có phần nhựa bên ngoài sau thời gian dùng chịu ảnh hưởng của môi trường, va đập bị bể mà chưa ảnh hưởng bản lề chính bên trong nên dễ khắc phục hơn. Nếu để lâu, không chỉ phần nhựa mà bản lề chính bên trong cũng sẽ gãy. Chi phí thay thế bản lễ gãy vào khoản 300-500.000 đồng tùy theo từng dòng máy. Phần thay thế sửa chữa này diễn ra rất nhanh nếu có đủ phụ kiện. Một số cửa hàng sửa chữa có thể thay thế ngay tại chỗ, trước mắt khách hàng. Khách hàng cần liên hệ trước xem cửa hàng có sẵn loại bản lề phù hợp với máy của mình hay không.


 

 

 

 


Pin: luôn là căn bệnh muôn thuở của laptop. Dù bạn dùng ít hay nhiều thì sau 3 năm, pin laptop cũng sẽ bị chai, thời lượng hoạt động chỉ còn hơn giờ đồng hồ. Nhiều máy chỉ còn hơn 30 phút. Một số quan điểm trước đây cho rằng khi máy cắm điện thì nên tháo pin ra. Khi không dùng điện sạc thì mới dùng pin. Thực tế trên pin có mạch điện điều khiển sẽ tự ngắt khi pin đầy. Ngoài ra tuổi thọ pin phụ thuộc vào số chu kỳ sạc đầy chứ không phải số lần sạc. Tháo pin, chỉ cắm nguồn sẽ khiến bạn bị mất dữ liệu và có thể hỏng ổ cứng nếu đang dùng mà bị cúp điện. Hơn nữa, đối với các thiết bị điện tử, nếu để lâu không dùng cũng sẽ tự hỏng. Do đó, bạn cứ yên tâm mà sử dụng, thỉnh thoảng, 1 tháng 1 lần dùng cho kiệt pin rồi sạc đầy lại. Khi nào pin laptop chai thì thay mới. Trường hợp bạn không am hiểu về kỹ thuật thì tốt nhất chọn mua pin chính hãng thay thế. Có thể giá pin sẽ hơi cao nhưng đảm bảo an toàn. Ngoài ra, một số hãng  (như HP) thường có chương trình đổi pin cũ lấy pin mới với giá ưu đãi. Bạn nên tận dụng những cơ hội này để thay thế pin chính hãng.

 

Ram cũng là thành phần hay bị lỗi trong laptop. Có thể chỉ là bị lỏng, hoặc đã hư hỏng hẳn. Các triệu chứng thường thấy là laptop không qua nổi giai đoạn boot máy để vào Windows, máy hay bị treo. Ram thường được gắn phía dưới laptop và được bảo vệ bằng một nắp nhựa có biểu tượng thanh ram. Trước khi nghĩ ram mình hỏng, bạn có thể kiểm tra trước xem là hỏng hay chỉ bị lỏng do quá trình di chuyển nhiều. Bạn dùng tuavit tháo các con ốc và lấy tấm nắp nhựa này ra. Tháo thanh ram ra bằng cách kéo nhẹ 2 chốt khóa ở 2 đầu thanh ram, vệ sinh khe cắm ram và chân ram bằng bàn chải mềm. Sau đó thử cắm lại xem máy có hoạt động ổn định không, nếu không có thể thử cắm thanh ram ra vị trí khác (laptop thường có 2 khe cắm ram). Trường hợp laptop của bạn có 2 thanh ram, bạn có thể thử từng thanh ram với từng khe cắm ram. Hoặc có thể mượn bạn bè 1 thanh ram đang còn tốt để thử nhằm xác định chính xác nguyên nhân có phải là do ram hay không. Nếu nguyên nhân chính xác là do hỏng ram, bạn có thể tự mua ram về thay thế hoặc mang ra cửa hàng nhờ thay thế giúp.

 

Ổ cứng là phần linh kiện cần được thay thế trước khi hỏng hoàn toàn để tránh mất dữ liệu đột ngột. Thường thì sau thời gian dài sử dụng, ổ cứng laptop cũng đến lúc hỏng và cần được thay mới. Nếu ổ cứng của bạn kêu rọt rẹt, xuất hiện nhiều bad sector (có thể kiểm tra bằng phần mềm HD Tune, tải tại hdtune.com) thì nên thay thế ổ cứng mới. Công đoạn thay mới khá đơn giản và có thể tự làm. Tháo nắp che ổ cứng phía dưới máy, cầm miếng dây nhựa nhẹ nhàng kéo ổ cứng lên. Mua ổ cứng 2,5 inch mới mà bạn thích cắm vào là xong.

 

Bàn phím là nơi chịu nhiều tác động nhất từ phía người dùng và cả các yếu tố môi trường. Thường thì bàn phím sẽ bị mòn theo thời gian, đôi khi bị liệt một vài phím do bị bụi bẩn, nước rơi vào. Khi bàn phím mòn, cũ hay bị liệt, bạn nên thay mới vì chi phí thay khá rẻ. Trong quá trình thay bàn phím có thể nhờ thợ thổi bụi và lau chùi bụi bẩn bên trong. Như vậy, bạn vừa có bàn phím mới vừa vệ sinh sạch sẽ bên trong máy.  

 

Bảo quản để laptop luôn như mới


 

 

 

 

Để giữ laptop cũ vẫn mới mẻ dù qua thời gian dùng nhiều, cần nhất là sự chăm chút của chính người dùng. Thường xuyên lau chùi bụi bẩn bám bên ngoài, trên màn hình, bàn phím. Những vật dụng không thể thiếu để vệ sinh máy luôn sạch là bóng hơi, bàn chải mịn, khăn mịn loại chuyên lau màn hình. Bóng hơi và bàn chải mịn để thổi bụi trong các khe bàn phím cũng như bụi ở các cổng kết nối như USB, mic nghe, nói, HDMI... Lau chùi màn hình bằng khăn mịn với dung dịch chuyên dùng thường xuyên đồng thời dễ dàng kiểm tra những điểm chết trên màn hình.

 

Khi dùng laptop trong nhiều giờ liền và thường xuyên, bạn nên sắm thêm đế tản nhiệt. Khi di chuyển, cần cho laptop vào túi chống sốc. Những công việc này khá đơn giản nhưng hiện nay nhiều người lại thường bỏ qua nên dẫn đến các trường hợp hỏng hóc không đáng có. Khi có sự cố, quan trọng là bình tĩnh tìm hiểu kỹ nguyên nhân. Hiện thông tin về những lỗi thường gặp, cách khắc phục sửa chữa đơn giản một số lỗi được post nhiều trên các diễn đàn tin học. Bạn nên tham khảo thêm trước khi mang máy đi sửa. Khi sửa, chọn các trung tâm lớn, nơi có niêm yết giá sửa và những linh kiện sửa, thay thế cụ thể. Thường thì ở những nơi sửa chữa uy tín, khi tháo mở máy, đơn vị đều tháo trước mặt khách hàng. Bạn sẽ ký tên niêm phong những bộ phận không liên quan trong quá trình sửa để tránh trường hợp bị luộc, tráo đồ.   


 

 


 

 

Đặc biệt chú ý tránh gãy bản lề vì ngay cả khi thay bản lề xong lại dễ dẫn đến tình trạng lỗi màn hình vì bản lề và màn hình có quan hệ khá mật thiết. Đã có nhiều trường hợp thay bản lề xong thì cáp màn hình bị lỏng, đứt... Bạn lại phải tốn kém thêm khoản chi phí sửa này nữa. Vì vậy, khi đi thay bản lề gãy, bạn cần nhắc với đơn vị sửa về vấn đề này để họ lường trước.