Doanh nghiệp

Đâu là công ty Internet số 1 Việt Nam ?

Đâu là công ty Internet số 1 Việt Nam ?

  Bài viết của blogger Nguyễn Ngọc Long - một người khá nổi tiếng trên mạng xã hội, đã nhìn các công ty dịch vụ Internet dưới nhiều góc độ để trả lời câu hỏi: Ai là công ty Internet số 1 Việt Nam?  

 

Những người làm ra Zalo, một trong những sản phẩm chủ lực đưa VNG trở thành doanh nghiệp số 1 trên Internet tại Việt Nam - Ảnh: Hoàng Huy

Đầu tiên, cho phép người viết rào trước đón sau một chút, bài viết dưới đây hoàn toàn là quan điểm cá nhân, dựa trên việc cố gắng thu thập, phân tích, đánh giá và tổng hợp thông tin từ những gì người viết biết và thấy. Người viết hoàn toàn không phải CEO của FPT, VCCorp, VTC hay VNG để biết chiến lược của họ thực hiện thế nào?

Để trả lời câu hỏi, đâu là công ty Internet số 1 Việt Nam thì phải thống nhất với nhau là dựa trên tiêu chí gì để nhìn nhận và đánh giá? Doanh thu? Lợi nhuận? Số lượng người dùng hay traffic? Ở riêng trong bài viết này, người viết chỉ dựa trên chiến lược và việc phù hợp của chiến lược với xu hướng tương lai và tình hình hiện tại..

Như thông tin người viết được chia sẻ, số lượng người nghe nhạc trên Youtube đã vượt qua nhaccuatui, nhacso, nhacvui và ZingMP3; số lượng và chất lượng người dùng facebook chiến thắng tuyệt đối Zing Me; tìm kiếm thì chắc chắn không ai qua được Google. Riêng về khoản tin tức thì VnExpress của FPT đang là số 1, một sản phẩm hiếm hoi của Việt Nam.

Và có lẽ cũng chẳng cần phải kể thêm các lĩnh vực khác như Game online (VNG), Thương mại điện tử (5 giay, rongbay, enbac, vatgia)... vì thị trường online cục diện đã rõ ràng. Và theo người viết nhận định bây giờ là thời của mobile và thị trường đanh cạnh tranh khốc liệt, giống như chiến trường đang cực kỳ dữ dội, đầy tiếng súng trường, đại bác, bom B52 và chưa biết khi nào mới thôi đỏ lửa.

Tại sao cuộc chiến trên mobile lại quan trọng đến như vậy? Vì người viết cho rằng nếu ai chiến thắng ở mảng mobile, sẽ có sức mạnh cực lớn để thay đổi cục diến chiến trường trên Desktop.

Đầu tiên là VNG: Ngày hôm nay, VNG vừa hé lộ sản phẩm Zini, mà người viết nghĩ là thay cho Zing LIVE đã chết từ trước đó (?). Có thể dự đoán Zini là sản phẩm chiến lược và sống còn nhất của VNG trong cuộc chiến khốc liệt này. Nếu như đích đến cuối cùng mà Zini hướng tới là trở thành Weibo của Việt Nam.

Weibo là một sản phẩm mạng xã hội của nước láng giềng Trung Quốc. Có thể coi như trang chủ của tất cả mọi người sử dụng Internet ở Trung Quốc. Người ta vào Weibo để đọc thông tin nhiều hơn đọc báo chí chính thống. Cuối năm 2012, Weibo có khoảng 400 triệu trong khi wechat có khoảng 200 triệu người sử dụng toàn cầu.

Tại sao người ta lại vào Weibo nhiều hơn vào các trang báo để đọc thông tin? Tại vì Weibo là nơi mà người sử dụng có thể đọc được thông tin ở mọi tờ báo chính thống, đồng thời đọc được thông tin từ hàng triệu thành viên khác về chính chủ đề mà họ quan tâm. Một cách nhanh chóng, tức thời, không kiểm duyệt và đa dạng.

Có thể hình dung một cách "không đúng đắn lắm" thì Weibo = vnexpress + facebook + twitter + youtube (xét về mặt thông tin). Hay nói cách khác, nếu ai sở hữu được một sản phẩm như Weibo thì sẽ trở thành công ty Internet số 1 Việt Nam.

co the ban quan tam


Để có được một sản phẩm như Weibo, công ty này cần có nguồn thông tin tức thời từ các báo chính thống, đồng thời phải có cả nguồn thông tin tức thời từ hàng triệu người sử dụng. Chẳng hạn như hiện tại, khi xảy ra vụ hỏa hoạn ở nhà ông Phương khói lửa, chúng ta phải lên các báo như VnExpress, Dân Trí, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, VietnamNet... để tìm kiếm các bài báo viết về ông Phương khói lửa. Sau đó, tiếp tục lên các mạng xã hội như Facebook, Twitter (ít người dùng ở Việt Nam), các diễn đàn tập trung đông để "hóng" những ai đó đưa bài về ông Phương khói lửa. Tức là thông tin đang toán loạn ở khắp nơi.

Nếu có một sản phẩm như Weibo, chúng ta chỉ cần truy cập một kênh như kiểu #phương-khói-lửa để cập nhật mọi thông tin từ mọi nguồn đã nói ở trên.

 Và về khoản tổng hợp thông tin từ các báo chính thống, ở Việt Nam có một công cụ đang làm việc đó cực kỳ lợi hại, nhanh và chính xác. Đó là baomoi.com, hiện là đối tác chiến lược của VNG. Về khoản tổng hợp thông tin từ các diễn đàn thì có nhiều công cụ của nhiều công ty như vietbuzzad, noti5, clickz, boomerang, ORM, younet...Về khoản tổng hợp thông tin từ các mạng xã hội thì... hầu như không có! Trong thực tế, các công cụ tổng hợp thông tin kể trên đều có tính năng tracking dữ liệu trên các mạng xã hội nhưng theo đánh giá của người viết thì rất tệ. Chưa kể, trong trường hợp một trong số các công cụ này phát triển tới một ngưỡng nhất định sẽ bị các mạng xã hội như twitter, facebook...block lại không cho quét. Cho nên bị rơi vào tình thế "có cũng như không".

Noti5 thuộc sở hữu của ePi, đơn vị sở hữu baomoi.com. Cho nên có thể thấy trong cuộc chiến chạy đua trở thành Weibo, thì VNG đang là đơn vị có lợi thế lớn nhất khi vừa giải quyết được bài toán tổng hợp thông tin từ báo chí, vừa giải quyết được bài toán tổng hợp thông tin từ các diễn đàn. Họ chỉ thiếu duy nhất công cụ tổng hợp thông tin từ mạng xã hội.

Có lẽ việc phát triển Zing Me nằm trong chiến lược này của VNG. Nếu Zing Me thành công (về cả mặt số lượng users và thói quen sản xuất content), thì công nghệ data mining của ePi có thể được apply vô để hoàn thiện ông cụ tổng hợp thông tin từ mạng xã hội. Nhưng thật tiếc, Zing Me có thể được số lượng người dùng khủng nhưng không tạo ra được những nội dung  "có chất" như tập hợp người dùng Facebook. Nên có thể coi như đó là một bước đi thất bại.

Nhưng VNG vẫn có cơ hội cực lớn với Zalo. Trên mặt trận mobile, VNG hoàn toàn có thể biến Zalo trở thành một mạng xã hội, nơi người sử dụng có thói quen chia sẻ thông tin như họ đã làm với tính năng "khoảnh khắc" trong Wechat. Nếu thắng trong cuộc chiến này, Zalo có thể trở thành một nguồn cung cấp thông tin không thua gì facebook. Và khi ấy VNG có thể dùng công nghệ của ePi "chọc" vào Zalo để hoàn thiện công cụ cuối cùng.

Đến lúc ấy, Zini sẽ trở thành Weibo của Việt Nam. Nếu Zini thành Weibo của Việt Nam thì Facebook rất có thể sẽ đi vào dĩ vãng (chưa kể tới việc facebook có thể được vận động để chặn vì lý do kinh tế hay chính trị).

Nhìn theo hướng này, kể cả VTC, VCCorp hay FPT rõ ràng đều "không có cửa". Cả 3 công ty lớn này đều chưa sở hữu trong tay một nền tảng ứng dụng mobile nào khả dĩ đủ lớn để có thể biến thành một mạng xã hội mobile.

VCCorp có một hệ sinh thái khá đa dạng và trù phú, có thể giải quyết bài toán phát triển công cụ tổng hợp tin tức từ báo chí khá tốt nhưng chắc còn lâu mới địch lại được công nghệ mà baomoi đã nghiên cứu và vận hành từ đó đến nay. Dù rằng VCCorp vẫn còn "tàn dư" của công cụ search bamboo cũng có thể xử lý data mining từ các nguồn báo chí giai đoạn trước.FPT có VnExpress là "tờ báo tiếng Việt đông người đọc nhất" nhưng nếu chỉ một mình VnExpress thôi thì không đủ. Mạng xã hội banbe đã tự động rút lui trong cuộc chiến với Go, với Zing Me và Facebook. Hàng loạt sản phẩm mobile thời hậu Visky như Vihuni, Vtalk, Violet... cũng đã trở nên vô tác dụng chỉ vì một lý do chọn sai điểm rơi, ra đời quá sớm, đi trước thời đại quá lâu nên đến bây giờ FPT hoàn toàn trắng tay trong trận chiến mobile.

FPT chỉ còn duy nhất một cách để tham chiến là tìm sản phẩm thật ngon để vung tiền ra mua lại. Nhưng ở Việt Nam, ngoài Zalo, KakaoTalk và Line ra thì làm gì còn sản phẩm nào tốt nữa? Tapmee thì Không được; Timbox cũng không có cửa. Chỉ có duy nhất một sản phẩm có cơ may bứt phá là WALA. 

Cuối năm 2012, một nhân vật cấp cao của FPT đã có ý định mua WALA nhưng thất bại vì sản phẩm này đang được đầu tư của nhiều tên tuổi lớn trong làng Internet. Có thể tạm coi ở cuộc chiến mobile, FPT không còn bất cứ đường nào để nhảy vào tham chiến (ngoại trừ mua một sản phẩm hiện có của nước ngoài).

Tuy nhiên, với tình hình chiến sự hiện thời, bản thân WALA cũng sẽ chết dù làm bất cứ việc gì nếu không nhanh chóng kết hợp với một bên nào đó sở hữu hệ sinh thái tin tức cực kỳ đa dạng. Xét về hình thái và phân mục thông tin, người viết nghĩ WALA nên kết hợp với VCCorp, nguồn thông tin đa dạng từ kenh14, soha, linkhay, afamily, cafebiz, autopro, socnhi, dantri, nguoilaodong... đủ tạo thành một nguồn thông tin đủ mạnh khả dĩ địch lại baomoi.com.

Nếu WALA kết hợp được với VCCorp thì cơ hội để trở thành Weibo cho sản phẩm non trẻ này cũng khá thênh thang, WALA + VCCorp = Zini (Zalo + ePi baomoi). Bài toán khi này chỉ còn quy về việc đơn vị nào có thể nhanh chóng phát triển một cộng đồng sản xuất nội dung chất lượng?

VNG vừa phê duyệt cho Zalo một ngân sách khủng để mời gọi nhiều influencer trên facebook tham gia sử dụng Zalo. Việc này ngoài vấn đề về quảng cáo (theo người viết là không quan trọng) thì vấn đề tạo ra một cộng đồng có thói quen sản xuất nội dung mới là lợi thế của Zalo. Người viết nghĩ VNG cũng nên cân nhắc mua lại một cộng đồng hiện có rất phù hợp với định hướng này là beat.vn

Tóm lại, bây giờ con át chủ bài của VNG chính là Zalo. Và VNG phải làm mọi cách, đổ công, đổ sức, đổ tiền, đổ của vào để biến Zalo trở thành một mạng xã hội tương tự như facebook, với hàng triệu người dùng (sắp đạt được) có khả năng sản xuất nội dung (khó vô cùng tận). Khi họ làm được điều này, các đối thủ như KakaoTalk hay LINE sẽ tự thua (Wechat thì bị tẩy chay rồi nên người viết không nói).

Với tất cả thông tin như trênngười viết cho rằng VNG chính là công ty Internet số 1 Việt Nam.

Nguyễn Ngọc Long

*Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, chúng tôi chỉ biên tập lại một số từ ngữ và câu chữ cho phù hợp

 

Đọc thêm: Trung Quốc là thị trường béo bở cho các công ty công nghệ của Mỹ

Theo ictnews.vn