Đập Tam Hiệp là con đập lớn nhất thế giới với chiều dài 2.308m, cao 185m, chiều rộng đỉnh đê 15m, đáy đê 124m. Công trình đã sử dụng 27,2 triệu mét khối bê tông (chủ yếu cho thành đập), 463.000 tấn thép (đủ xây 63 tháp Eiffel, đào 102,6 triệu mét khối đất. Thành đập cao 181 mét so với nền đá.
Mực nước đập cao tối đa 175m trên mực nước biển, cao hơn mực nước sông ở hạ nguồn 110m, vùng hồ chứa có chiều dài trung bình khoảng 660 km và rộng 1,12 km. Vùng hồ chứa có thể tích 39,3 km3 và tổng diện tích bề mặt nước 1045 km2 và chứa lượng nước lên đến 42 tỉ tấn.
Lượng nước của đập đủ khả năng sản xuất khoảng 22,5 triệu kilowatt điện (hay 22.500 megawatt), tương ứng công suất của 15 nhà máy điện hạt nhân.
Đập Tam Hiệp có vị trí chiến lược với Trung Quốc, không chỉ đem lại lượng năng lượng khổng lồ, đập Tam Hiệp còn giúp điều tiết nước cho vùng hạ du sôngTrường Giang. Đập Tam Hiệp cũng góp phần nâng cao năng lực vận tải trên tuyến sông Trường Giang, lượng hàng hóa vận tải qua khu vực Tam Hiệp từ 10 triệu tấn tăng lên đến 50 triệu tấn.
Chính vì vậy, Trung Quốc bố trí "trọng binh" phòng thủ dày đặc nhất đất nước tại đập Tam Hiệp. Xung quanh đập Tam Hiệp gồm nhiều lớp phòng thủ, với hệ thống tên lửa phòng không và lực lượng quân đội vũ trang bảo vệ 24/24.
Không chỉ bộ binh, quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã và đang triển khai các hệ thống radar phòng không hiện đại nhất của Trung Quốc như VLC-18, YLC-6 và VLC-15S, tạo thành 2 lớp radar bảo vệ không phận từ 20km cho đến 70km xung quanh đập Tam Hiệp. Đây được coi là "trạm tiền tiêu" trong hệ thống bảo vệ hồ chứa đập Tam Hiệp. Tất cả các vậy thể bay sẽ được phát hiện ngay khi còn chưa kịp gây bất cứ nguy hiểm nào cho con đập này.
Về phòng không, Trung Quốc bố trí hai sư đoàn tiêm kích lớn tại Trùng Khánh và Côn Minh, tạo thành "chiếc ô" bảo vệ hồ chứa Tam Hiệp theo chiều sâu vài trăm km.
Các loại máy bay được bố trí ở Trùng Khánh là mẫu biến thể nâng cấp J-11A/B của dòng máy bay tiêm kích J-11, ngoài ra còn có thể có các chiến đấu cơ Su-27SK. Một quân đoàn không quân ở Côn Minh thì được ghi nhận được trang bị loạt tiêm kích J-10.
Cùng với hệ thống pháo cao xạ được bố trì dày đặc, các trận địa tên lửa đất đối không HQ-9 làm trung tâm của lá chắn phòng thủ đập Tam Hiệp. HQ-9 có khả năng chống lại các tên lửa hành trình cũng như các máy bay chiến đấu tối tân nhất hiện nay.
Lá chắn tên lửa HQ-9 cùng với HQ-16, HQ-10 - với số lượng lên tới hàng vạn tên lửa phòng không tầm ngắn, trung, xa - tổ hợp thành phòng tuyến bảo hộ thứ hai cho đập Tam Hiệp.
Không chỉ được bảo vệ chặt chẽ, đập Tam Hiệp cũng là một pháo đài kiên cố. Theo tính toán của các nhà khoa học, sức mạnh phi hạt nhân duy nhất có thể gây thiệt hại cho đập Tam Hiệp là bom siêu nặng MOP (Massive Ordnance Penetration) của Mỹ.
Tuy nhiên quả bom này nếu thả trúng đập Tam Hiệp chỉ có thể tạo thành một lỗ hổng có kích thước dài 25m, rộng 20m và cao 10m trên vách đập.
Cũng thao báo cáo của Hiệp hội năng lượng hạt nhân Trung Quốc thì nếu 1 quả bom hạt nhân thả trúng đập Tam Hiệp thì nước cũng chỉ lọt ra ở lỗ hổng đó, nhưng toàn bộ kết cấu đập chắc chắn không bị sụp đổ, và không tạo thành thảm họa "đại hồng thủy" như nhiều người lo sợ về kịch bản vỡ đập.
Qua đây có thể thấy, Trung Quốc cũng đã chuẩn bị kỹ càng mọi phương án bảo vệ cho tủ huyệt của mình. Các lớp phòng thủ chắc chắn cùng với thiết kế kiên cố ngay từ ban đầu, đập Tam Hiệp thực sự là một công trình "tường đồng vách sắt" rất khó để xâm phạm.
Để Trung Quốc xây dựng, thủy điện lớn nhất Ecuador ‘biến dạng’ như đập Tam Hiệp
(Techz.vn) Dù mới chỉ xây dựng được 2 năm nhưng thủy điện lớn nhất của Ecuador đã gặp phải những vấn đề nghiêm trọng hơn cả đập Tam Hiệp.