YotaPhone là chiếc điện thoại hai màn hình được giới công nghệ đánh giá rất cao khi lần đầu tiên được ra mắt vào đầu năm 2014. Tuy nhiên, ngoài màn hình e-ink ở mặt sau, các chi tiết còn lại của chiếc điện thoại này không có quá nhiều ấn tượng, song, phiên bản 2 là một sự lột xác.
Cụ thể, chiếc điện thoại đến từ Nga sở hữu một cấu hình không phải mạnh nhất hiện nay nhưng những gì mà nhà sản xuất trang bị cho máy khiến YotaPhone 2 trở nên ấn tượng hơn. Một màn hình trước Full HD với công nghệ SUPER AMOLED rực rỡ, một màn hình e-ink qHD với 16 sắc xám cùng cấu hình đi kèm vi xử lý Snadragon 800 mạnh mẽ giúp bạn thực hiện mọi tác vụ đa nhiệm hay chơi game. Dưới đây là một số đánh giá nhanh sau một ngày sử dụng YotaPhone 2.
Thiết kế
Nếu không có màn hình e-ink ở mặt sau, chắc chắn nhiều người sẽ lầm tưởng đây là thiết kế bo tròn đặc trưng từ dòng Galaxy Nexus của Samsung. Các cạnh được làm cong rất khéo léo đi kèm với chất liệu có độ bám giúp máy dễ cầm nắm và thao tác. Bên cạnh đó việc chỉ sở hữu màn hình 5 inch với viền siêu mỏng giúp thiết kế tổng thể máy thon, gọn và vừa vặn hơn.
Thiết kế bo tròn giúp YotaPhone 2 dễ cầm nắm hơn
Việc trang bị thêm một màn hình ở mặt sau khiến nhiều người lo ngại vào những vết xước sẽ xuất hiện khi đặt máy trên các bề mặt cũng như cọ xát vào các vật dùng trong túi. Tuy nhiên với thiết kế cong cùng mặt kính Gorilla Glass 3, bạn có thể yên tâm sử dụng YotaPhone 2.
Mặt sau được làm cong và bao phủ bởi lớp kính cường lực Gorilla Glass
Có một điểm được đánh giá rất cao từ YotaPhone 2 đó là việc kết hợp phím tăng giảm âm lượng và khay nano sim, điều này giúp cho máy lược bỏ bớt những chi tiết rườm rà và tập trung nhiều hơn vào hai màn hình. Việc bố trí một cạnh không có nút ấn sẽ giúp người dùng chuyển đổi thói quen sử dụng trên hai màn hình một cách nhanh chóng. Toàn bộ phím bấm ở bên phải với màn hình trước và bên trái với màn hình e-ink.
Khay Sim kết hợp nút tăng giảm âm lượng
Nhược điểm duy nhất của YotaPhone 2 đó là việc để thừa quá nhiều không gian trống ở phần phía dưới máy, nếu thay vào đó là 3 phím cảm ứng để tiết kiệm không gian cho màn hình sử dụng thì có lẽ sẽ tốt hơn. Thêm vào đó là việc loa thoại nhìn gần giống với phím home nhiều khi khiến bạn nhầm lẫn giữa hai đầu của thiết bị. Nhưng nhìn chung, thiết kế của YotaPhone không có gì để quá phàn nàn.
Màn hình
Ở phần này, màn hình 5 inch Full HD SUPER AMOLED không có gì đặc biệt vì chúng đã xuất hiện rất nhiều trên các sản phẩm của Samsung, chúng ta sẽ tập trung nhiều hơn vào màn hình thứ 2 sử dụng công nghệ e-ink.
Màn hình trước 5 inch độ phân giải FullHD, công nghệ SUPER AMOLED
Thực tế, nếu bạn là người hay sử dụng các máy đọc sách của Kindle chắc hẳn cũng đã biết đến màn hình e-ink. Đặc điểm chung của màn e-ink là giúp tiết kiệm năng lượng và tốt hơn đối với mắt khi nhìn lâu. Tuy nhiên điểm hạn chế của công nghệ này là nó có tốc độ refresh quá thấp, dẫn tới gần như không thể sử dụng để hiển thị các nội dung cần tốc độ refresh cao hơn như phim ảnh. Điều này được thể hiện trên chính chiếc YotaPhone 2.
Màn hình e-ink độ phân giải qHD
Màn hình thứ 2 của máy có thể hiển thị toàn bộ các tác vụ có thể hiển thị được ở mặt trước nhưng chỉ với 2 tone màu đen trắng. Theo nhà sản xuất, các phần tử e-ink sẽ hiển thị được 16 sắc xám giúp tăng độ rõ nét cũng như sự phân biệt màu sắc tốt hơn. Song, bạn sẽ thực sự khó chịu khi duyệt web hay chỉ đơn giản là lướt qua lướt lại màn hình chủ vì tốc độ "làm tươi" khá chậm. Màn hình thứ 2 chỉ thực sự có ích khi bạn xem tin nhắn, duyệt web, xem đồng hồ, thời tiết, đọc sách - những tác dụng được hãng cung cấp sẵn. Một nhược điểm đó là màn hình này không được trang bị đèn nền nên chỉ sử dụng được trong môi trường có ánh sáng. Trong bóng tối, lựa chọn duy nhất đó là sử dụng SUPER AMOLED ở mặt trước.
Tính năng
Sẽ không có quá nhiều điều để nói về cấu hình, hiệu năng của sản phẩm này khi vi xử lý trang bị trên YotaPhone 2 thường có cách đây khá lâu, nếu bạn đọc quan tâm đến hiệu năng của sản phẩm có thể xem qua các mẫu điện thoại cao cấp ra mắt từ năm 2013. Việc trải nghiệm hình ảnh trên màn hinh SUPER AMOLED Full HD có thể nói là rất tuyệt vời, song, những tính năng ở mặt sau mới là điều đáng để lưu tâm và cũng là điểm nhấn lớn nhất của chiếc điện thoại này.
Màn hình e-ink có thể hiển thị tốt các nội dung như web, văn bản, tin nhắn...
YotaPhone 2 được trang bị một tính năng cho phép bạn chuyển đổi nhanh giữa hai màn hình và các nội dung bạn cần thể hiện ở màn hình. Chỉ với một thao tác đơn gian là giữ nút home và lựa chọn chuyển màn hình là nội dung sẽ được tái hiện ở mặt sau, bao gồm cả trang chủ và các tác vụ đang sử dụng. Cụ thể, nếu bạn đang xem một trang web và muốn nó hiển thị dưới dạng đen trắng để tránh mỏi mắt, bạn có thể sử dụng thao tác trên và lật mặt sau. Điểm rất hay của YotaPhone 2 là khi bạn chuyển đổi sang một màn hình khác, màn hình còn lại sẽ tự động khóa để tránh các thao tác ngoài chủ ý.
Các font chữ sáng tạo sẽ được hiện ra khi bạn chụp ảnh
Tiếp theo, YotaPhone 2 cung cấp sẵn các hình ảnh rất đa dạng trên màn hình e-ink, chúng sẽ hiển thị khi bạn chụp ảnh. Ví dụ như Clip dưới đây, một chữ Smile sẽ hiện lên để báo hiệu chiếc điện thoại đang được sử dụng để chụp ảnh và chủ thể hãy cười lên để click. Và để tránh nhàm chán, YotaPhone 2 luôn luôn thay đổi các khẩu hiệu hình ảnh chụp hiện lên trên màn hình sau.
Cuối cùng đó là khả năng tiết kiệm điện, màn hình e-ink gần như không tốn điện năng khi chỉ hiển thị một nội dung trong một thời gian dài vì phần tử màu không di chuyển nữa. Bởi vậy, nếu bạn chỉ sử dụng màn hình e-ink, YotaPhone 2 trở thành một thiết bị "bá đạo" về thời lượng pin.
Có nên mua YotaPhone 2 hay không?
Đây là một câu hỏi mà nhiều người đặt ra khi giá thành của chiếc YotaPhone 2 không thực sự dễ chịu và cấu hình cũng không quá xuất sắc. Để trả lời việc có nên mua YotaPhone 2 hay không? Bạn nên tham khảo những ý kiến sau đây.
Việc YotaPhone 2 có mặt tại Việt Nam góp phần tạo nên một thị trường sôi động với các thiết bị độc đáo và công nghệ đỉnh cao. Tuy nhiên nếu nhắm tới một thiết bị tốt và thiết thực thì việc sở hữu YotaPhone 2 có phần hơi "chơi trội" khi giá thành niêm yết lên tới 19 triệu đồng. Với số tiền đó, bạn hoàn toàn có thể sở hữu những sản phẩm tuyệt vời hơn như Samsung Galaxy Note4 hay iPhone 6 Plus.
Thứ hai, nếu bạn thích sở hữu công nghệ đỉnh cao, những thiết bị độc đáo và sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để có thể sở hữu hàng độc trên thị trường thì YotaPhone 2 là sản phẩm đáng giá.
Kết luận
YotaPhone 2 có mức giá 19 triệu đồng
YotaPhone 2 là chiếc điện thoại vô cùng độc đáo với hai màn hình hiển thị. Bên cạnh đó nhà sản xuất trang bị một cấu hình vừa đủ mạnh cùng các tính năng hỗ trợ giúp nâng cao trải nghiệm của người dùng. Tuy nhiên, với mức giá gần 19 triệu đồng, bạn cần xem xét thật kỹ lưỡng nhu cầu sử dụng cũng như sở thích của mình trước khi sở hữu YotaPhone 2.