Đánh giá laptop

Đánh giá: HTC One X - Đắt..! có sắt ra miếng ?

Đánh giá: HTC One X - Đắt..! có sắt ra miếng ?

Không có gì là quá đáng khi khẳng định rằng, HTC One X xứng đáng được liệt vào hàng siêu phẩm trong thế giới smartphone chạy Android. Những người chế tác ra One X đã biến chiếc điện thoại này thành sự kết hợp hoàn hảo giữa kiểu dáng trẻ trung, công nghệ chế tác hiện đại và những gì rút ra được từ trải nghiệm của người dùng. Với việc sở hữu một bộ khung chắn chắn và ấn tượng được làm từ những loại vật liệu tiên tiến nhất, một màn hình với chất lượng hình ảnh tuyệt vời, một camera chất lượng cao phù hợp với tiêu chí cho ra những bức ảnh đẹp nhưng lại rất dễ dàng sử dụng cùng với đó là giao diện Sense 4.0 mới với nhiều cải tiến, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu chiếc smartphone này tạo ra một cơn sốt mới trên thị trường, nhất là đối với giới nghiền công nghệ.

  • Đánh giá HTC One S - Sự tổng hòa của nhiều yếu tố
  • Đánh giá HTC One V - Đáng tiền
  • Trên tay HTC Oneseries

Năm 2011 vừa qua quả là một năm khó khăn đối với HTC khi mà sau khoảng thời gian cực kỳ thành công với sự phát triển mạnh mẽ của Android (đặc biệt là 2009 và 2010), HTC đã phải đối mặt với rất nhiều áp lực cạnh tranh và kiện tụng từ những đối thủ của mình (tiêu biểu có thể kể đến là Apple). Ngoài ra sự khó khăn này còn do chính HTC tự gây ra, khi họ ra quá nhiều mẫu điện thoại, với quá nhiều cái tên, thậm chí còn ra nhiều phiên bản (tất nhiên cũng với tên gọi khác nhau) cho cùng một mẫu điện thoại nhưng phát hành bởi các nhà mạng khác nhau, dẫn tới quá khó cho người tiêu dùng lựa chọn và đánh giá. Điều này khiến họ bị “choáng váng” và không biết thiết bị nào trong số các thiết bị đó là cao cấp nhất để bỏ tiền ra mua. Hãy nhìn sang Samsung, họ cũng ra nhiều mẫu điện thoại, nhưng đều dưới một cái tên chung, và sản phẩm cao cấp nhất luôn được định nghĩa là những chiếc Galaxy S (kèm theo đơn vị chỉ thế hệ). Thế nhưng, HTC, được biết đến luôn là những người tiên phong trong đổi mới, chắc chắn sẽ không chịu ngồi yên.

Sự ra mắt của dòng HTC One được mở đầu bằng một sự kiện tổ chức tại San Francisco mà các nhà báo tham gia không được phép ghi hình. Cho đến tận kỳ MWC vừa qua người ta mới có cơ hội chiêm ngưỡng những chiếc điện thoại chủ lực này của HTC: One X, One S và One V. Và cho đến mấy ngày trước đây, chúng tôi đã có cơ hội sử dụng thực sự một chiếc One X, chiếc điện thoại cao cấp nhất trong series này. Sau một thời gian sử dụng, chúng tôi đã có được những đánh giá sẽ được trình bày ở bài viết dưới đây. Liệu chiếc điện thoại này, với những cải tiến mạnh mẽ, từ phần mềm (ICS), cấu hình và cả giao diện sẽ là một sự trở lại thuyết phục của HTC trên thị trường điện thoại? Chúng ta sẽ cùng kiểm chứng điều đó qua bài viết này.

Phần cứng 

Những nhà thiết kế của HTC đã thực sự nghiêm túc trong việc đưa ra một thiết kế cho chiếc One X, chiếc điện thoại mang trong mình trọng trách là ngọn cờ đầu cho các thiết bị dòng One Series của HTC trong năm nay (ít nhất là vậy). Họ không bỏ qua những thiết kế được đánh giá rất cao của dòng Sensation rất thành công trong năm trước: thiết kế nguyên khối dùng chất liệu polycarbonate, với mặt sau nhám và và các cạnh bên sơn bóng hơn. Chất liệu này vừa không ảnh hưởng nhiều đến khả năng bắt sóng của điện thoại như chất liệu kim loại thông thường vừa vẫn có thể đảm bảo khả năng chống xước tốt và chống chịu va đập cao cho máy.

Các thông số về kích thước bên ngoài đã cho thấy đây là một chiếc smartphone siêu mỏng (8.9 mm) với một màn hình lớn hơn nhiều so với những chiếc điện thoại cùng dòng như One S hay One V, bởi màn hình mà One X sở hữu có kích thước lên tới 4.7 inch, điều này đã khiến One X trở thành một trong những chiếc điện thoại thông minh có kích thước màn hình lớn nhất trên thị trường tính cho đến thời điểm hiện tại. Kích thước của máy có vẻ như hơi quá khổ nếu so với kích thước bàn tay của người châu Á chúng ta nhưng khi cầm trên tay chiếc điện thoại này thì cảm giác chắc chắn và tin cậy là những cảm giác đầu tiên mà một người mới tiếp xúc với máy lần đầu tiên như tôi có thể cảm nhận được. Và có thể One X có kích thước hơi “bự con” một chút nhưng nó cũng chỉ là một chú lùn tí hon nếu so sánh với kích thước quá khổ của “gã khổng lồ” Galaxy Note. Và nếu xét về tiêu chí trọng lượng chiếc điện thoại này cũng nhẹ hơn khá nhiều ( nhẹ hơn khoảng 30g) so với những sản phẩm đi trước của HTC như Sensation hay Rezound nhờ lớp vật liệu đặc biệt làm từ policarbonate mới được HTC đưa vào áp dụng trong bộ sản phẩm mới nhất của mình.

Hộp và các phụ kiện đi kèm theo máy

Lớp vỏ bên ngoài của One X là một khối hoàn chỉnh khi mà kể cả loa đàm thoại cũng được tích hợp vào bên dưới lớp vỏ máy. Nút nguồn và phím điều chỉnh âm lượng cũng được giấu một cách khéo léo đến nỗi ta chỉ cảm thấy một lớp gờ rất mỏng ở vị trí của những phím bấm này, chính điều đó đã khiến ta cảm tưởng như One X giống như một thể thống nhất và liền khối. Với One X khay chứa thẻ SIM được bố trí ngay ở phía trên đỉnh của máy và để đẩy được khe này ra bạn cần dùng một chiếc ghim nhỏ để mở chốt và chiếc ghim này sẽ được đi kèm trong bộ linh kiện đi kèm của HTC. Bạn có thể tìm thấy khe cắm cổng Micro-USB ở cạnh bên trái của máy trong khi ổ cắm jack 3.5 và nút bấm nguồn được HTC bố trí ở cạnh trên. Sẽ là hợp lý hơn nếu phím nguồn của One X được bố trí ở bên cạnh phải thay vì cạnh trên như trong thiết kế tuy nhiên việc các nút bấm đều được tráng một lớp policarbonate trắng là một điểm mạnh của máy do độ bền và chống va chạm tốt của loại vật liệu này. Ở cạnh bên phải của máy, bạn có thể dễ dàng nhận thấy 5 khe nhỏ, đây là những khe được thiết kế giúp One X thuận lợi hơn trong việc kết nối với các giá điện thoại trên xe hơi hay với những thiết bị khác.

            

Khe cắm thẻ SIM được bố trí ở cạnh trên của máy

Cũng giống như ở One S, camera của One X cũng được áp dụng thiết kế mới của HTC khi mà camera của máy lồi hẳn ra ngoài thân máy chứ không thụt vào trong như những mẫu điện thoại trước đây. Một vòng tròn nhỏ bằng kim loại cũng được HTC viền quanh camera để tạo điểm nhấn cho máy. Camera cao cấp được tích hợp trong One X là một trong những điều mà HTC tự hào nhất về chiếc điện thoại của mình và tính năng này của máy sẽ được chúng tôi đề cập chi tiết hơn ở phần sau của bài viết.

Loa ngoài của One X được thiết kế với 84 lỗ nhỏ ở ngay bên dưới logo Beats đặt phía sau của máy. Việc đặt loa ngoài của máy ở mặt sau khiến cho âm thanh phát ra từ máy bị ảnh hưởng khá nhiều bởi nhiễu, điều này được thấy rõ nhất là khi bạn lật chiếc điện thoại này lên trong quá trình thực hiện cuộc gọi. Nếu bạn đang tìm cho mình một chiếc điện thoại có loa ngoài tốt với âm thanh chất lượng thì có lẽ bạn sẽ muốn sở hữu một chiếc điện thoại có loa được thiết kế ở mặt trước hơn là một chiếc điện thoại có loa ở mặt sau như thế này. Dù đây là chiếc điện thoại đầu tiên của HTC được trang bị công nghệ âm thanh cải tiến của Beats trên tất cả các ứng dụng nhưng One X vẫn cũng không được tích hợp thêm âm bass cho loa ngoài, điều này khiến cho chiếc điện thoại này cũng không quá nổi bật so với những chiếc smartphone trước đấy khi đề cập đến công nghệ về âm thanh được tích hợp trong máy.

Mặt sau của One X với loa ngoài và các khe nhỏ để kết nối với giá đỡ

Đằng sau lớp vỏ được làm bằng policarbonate là trái tim và cũng là bộ óc của One X, vi xử lý lõi tứ Tegra 3 với tốc độ lên tới 1.5 GHz. Điều này đã biến One X trở thành chiếc điện thoại sử dụng lõi tứ đầu tiên của HTC. Đấy là đối với bản quốc tế còn bản LTE do nhà mạng AT&T của Mĩ phát hành sử dụng vi xử lý lõi kép Snapdragon S4 của Qualcomm. Đi kèm với những bộ vi xử lý này là một bộ nhớ RAM 1GB cùng với đó là 32 GB bộ nhớ trong trong đó có 26 GB có thể sử dụng một cách thoải mái theo mong muốn của người sử dụng. Còn một điểm đặc biệt về công nghệ nữa cần được lưu ý khi công nghệ trao đổi dữ liệu mới nhất - NFC cũng được HTC tích hợp vào sản phẩm của mình. One X hoạt động trên nền tảng hệ điều hành Android 4.0 ICS và chúng ta cũng hoàn toàn có thể ping đến một số địa chỉ web hay email một cách dễ dàng và kiểm tra kết nối giữa One X và Galaxy Nexus chỉ bằng một vài thao tác đơn giản.

    

  

   

   

 

Các cạnh bên và mặt sau của One X

Màn hình 

  

Màn hình hiển thị của One X khi được phóng đại ở mức 230 lần dưới kính hiển vi

Chiếc One X, giống như chiếc Rezound, có độ phân giải màn hình đạt chuẩn 720p, tuy nhiên do có màn hình rộng tới 4.7inch (ngang với Titan 2, Rezound chỉ có 4.3), nên mật độ điểm ảnh của One X “chỉ” đạt 316ppi (so với 342ppi trên Rezound và 330 trên iPhone 4/4S). Một sự cải tiến đó là tấm nền với công nghệ Super IPS LCD 2, so với S-LCD trên Rezound. Với các thông số như thế này, One X chắc chắn sẽ khiến những chiếc màn hình được coi là có màn hình đẹp trước đây của HTC (như chiếc Sensation Xl chẳng hạn) phải “hổ thẹn” khi đặt cạnh để so sánh.

Khi so sánh với One S

Thử nghiệm trên thực tế, màn hình này cho chúng tôi một ấn tượng tốt: lớp kính Gorrila có độ dày hợp lý và độ phân giải cao khiến hình ảnh rất sắc nét, nhất là với góc nhìn trực diện. Nói như vậy không có nghĩa là góc nhìn trên chiếc One X này kém, mà trái lại, góc nhìn rộng, đặc biệt khi độ sáng màn hình được điều chỉnh ở mức độ phù hợp.

Màn hình của One X có góc nhìn rất rộng

Dành cho những người ủng hộ Super AMOLED của Samsung: nếu có một cuộc bầu chọn, thì công nghệ SLCD 2 này chính là một trong những đối thủ nặng ký nhất của họ. Với một màn hình với ma trận điểm không sắp xếp theo kiểu Pen-Tile (vốn dùng trên Galaxy Nexus), nhưng màu sắc trên One X vẫn được tái tạo rất trung thực và đặc biệt là gam màu trắng chính xác hơn nhiều so với ánh hơi vàng trên các màn hình AMOLED. Khi sử với ánh sáng ngoài trời, bạn sẽ phải đặt độ sáng lên cao nhất, nhưng kể cả như vậy thì vẫn có thể theo dõi các nội dung hiển thị một cách rất dễ dàng.

Camera


Có 2 cách cơ bản mà những nhà sản xuất thường sử dụng để đề cập đến những chiếc camera trên các thiết bị điện thoại cao cấp của mình. Cách đầu tiên là họ gắn mác “camera phone”, ứng dụng những công nghệ đặc biệt nhất, gần với máy ảnh nhất vào chiếc điện thoại của mình. Tiêu biểu cho xu hướng này là chiếc N8 hay chiếc PureView mới đây của NOKIA. Cách thứ hai là cải thiện chất lượng cũng như đơn giản, tối ưu hóa các tính năng để người dùng bình thường (không phải các chuyên gia) cũng có thể có được những bức hình với chất lượng OK, điều mà Apple hay phần nào đó là Samsung đã làm được trên chiếc iPhoen 4S hay chiếc Galaxy S II (cũng như các phiên bản biến thể khác của nó).

Hướng đi của HTC có vẻ giống với phương án thứ 2 hơn. Những chiếc điện thoại của họ trước đây thường bị chê bai rất nhiều về khả năng chụp ảnh (thậm chí cả những chiếc điện thoại được coi là flag-ship như Desire hay Desire HD cũng chưa hề được đánh giá cao). Nhưng trong năm vừa qua, có vẻ như cái “danh tiếng” không tốt ấy đã phai mờ đi đáng kể, khi nhiều mẫu điện thoại của họ được đánh giá rất cao về khả năng này, tiêu biểu như những chiếc myTouch 4G Slide, Amaze 4G, hay sắp ra mắt là chiếc Titan II. Chiếc điện thoại này đã làm được điều đó nhờ sở hữu cho mình một cảm biến lên tới 8 Mpx, cùng với đó là một ống kính với khẩu độ rộng f/2.0 và có khả năng tự động lấy nét (khẩu độ của máy cũng tương đương nếu so với f/2.2 trên Amaze, f/2.4 trên iPhone 4S, f/2.65 trên Galaxy S II và f/2.8 trên N8). Ngoài ra One X cũng được HTC trang bị riêng một bộ xử lý ảnh với tên gọi Imagechip.

Giao diện máy ảnh của One X

One X cũng là chiếc điện thoại có camera chụp với tốc độ nhanh nhất mà tôi từng sử dụng, nhanh hơn cả camera của Galaxy Nexus khi mà camera của máy chỉ mất khoảng thời gian 0.7s để khởi động và khoảng 0.2s để xử lý giữa 2 lần bấm máy. Đèn Flash của One X được trang bị khá nhiều chế độ khi bạn có thể chỉnh đến 5 cấp độ cường độ ánh sáng khác nhau chỉ với một chiếc đèn Flash của máy. Phần cứng của One X có thể nói là hoàn hảo nếu như máy được trang bị thêm một phím bấm chụp ảnh chuyên dụng hai giai đoạn thay vì phím “bull’s eye” trên màn hình cảm ứng. Có thể One X không có một màn trập cơ học, đèn Xenon Flash và chế độ sáng hỗ trợ tự động lấy nét như ở N8 của Nokia nhưng thay vào đó nó được trang bị màn trập cơ học thích hợp hơn với việc điều khiển bởi các phím bấm cảm ứng cơ bản trên màn hình. HTC cũng quan tâm đến việc đảm bảo được độ bền và thời gian sử dụng của những tấm kính quang học khi mà camera của máy sẽ phải đối mặt với nhiều vết trầy xước và dấu vân tay hơn do được thiết kế lồi hẳn ra ngoài.

 

 

Những hình ảnh chụp trong điều kiện đủ ánh sáng có chất lượng rất tốt

 Với One X các thông số kỹ thuật không phải là tất cả những gì mà bạn cần quan tâm khi mà những phầm mềm được HTC tích hợp kèm theo cũng là một phần không nhỏ tạo nên sự thành công của máy. Và Image Sense là một ví dụ cụ thể khi mà nó đóng vai trò quan trọng trong việc xử lý hình ảnh và hỗ trợ một loạt các tính năng đi kèm với chế độ chụp ảnh của máy như bộ lọc thời gian thực, chế độ chụp HDR, panorama hay khả năng quay các đoạn video ở chế độ “slow-motion”. Thay vì làm sáng tỏ giao diện của chiếc điện thoại này, có lẽ chúng ta nên tập trung để nói về tính năng chụp ảnh mà phía HTC đã rất tự hào khi nói về chiếc điện thoại của mình. Điều đầu tiên mà tôi muốn nói đến là ở One X không có sự phân biệt khi ta nói về chế độ chụp ảnh hay quay video. Đó là bởi một khả năng đặc biệt mà HTC đã tích hợp vào trong chiếc điện thoại này, khả năng chụp những bức ảnh có độ phân giải 3264*1840 pixel trong khi vẫn đang quay những đoạn video với chất lượng HD. Và thậm chí, bạn cũng có thể lấy ra những khung hình với độ phân giải 1920*1080 pixel trong khi đang phát từ những đoạn video được quay từ trước đó.

 

One X có thể chụp được cả những tấm ảnh panorama

One X cũng được HTC trang bị đầy đủ các bộ lọc giống như ở Instagram, bao gồm cả việc tạo ra các họa tiết “tweakable”, tạo ra chiều sâu của các hiệu ứng trường và có thể áp dụng trên cả những bức ảnh thời gian thực hay những bức ảnh đã trải qua chỉnh sửa. Camera của One X và các ứng dụng được tích hợp sẵn trong thư viện của máy cho phép chiếc điện thoại này có thể cung cấp một loạt các điều chỉnh trước và sau khi chụp tùy theo sở thích của bạn, chẳng hạn như độ bão hòa, độ tương phản hay độ sắc nét của từng tấm ảnh. Ngoài ra, nếu không thích sử dụng sẵn ở chế độ mặc định bạn cũng có thể điều chỉnh độ phơi sáng, cân bằng trắng hay ISO của tấm ảnh một cách dễ dàng tùy theo lựa chọn của mình. Cũng có một vài thiếu sót của máy mà chúng ta cần phải than phiền khi mà chúng ta không có cách nào để khóa độ lấy nét và phơi sáng của tấm ảnh trước khi chúng ta tái định hình trong khi mà hầu hết những chiếc smartphone cao cấp khác trên thị trường như N8 đều có thể làm được điều này thông qua một phím chụp ảnh chuyên dụng hai giai đoạn được bố trí ở phần thân máy hay chỉ cần giữ nút camera trên màn hình và khóa bằng một màn trập cơ học như ở Galaxy S II. Về điều này, có lẽ chúng ta chỉ có thể trông chờ vào những cải tiến của HTC cho những thế hệ tiếp sau của chiếc điện thoại này.

Đề cập đến vấn đề hình ảnh, chúng tôi đã tiến hành những thử nghiệm để có thể đánh giá một cách chính xác nhất chất lượng của những bức ảnh chụp với One X bằng việc so sánh chúng với những smartphone có chất lượng hình ảnh cao nhất ở thời điểm hiện tại như N8 của Nokia, Amaze của HTC, iPhone 4S của Apple và Galaxy Note của Samsung cùng với đó là một mẫu máy ảnh compact của Canon, Canon S95. Kết quả thu được đã cho thấy, One X được xếp ở tầm giữa của những chiếc smartphone này. Chất lượng hình ảnh thu được từ Camera của One X hơn hẳn Galaxy Note của Samsung và iPhone 4S của Apple và tương đương với chất lượng hình ảnh thu được từ người anh em Amaze của nó. One X có thể thua kém hơn chút ít so với N8 và Canon S95 về chất lượng hình ảnh nhưng chiếc điện thoại này vẫn được coi là một trong những chiếc smartphone có Camera cho chất lượng hình ảnh tốt nhất trên thị trường hiện nay đặc biệt là khi bạn biết rằng One X không phải là chiếc điện thoại được HTC xác định lấy chất lượng hình ảnh làm trung tâm như ở Amaze trước đó.

Chụp cận cảnh với One X

Khả năng cho ra đời những bức ảnh trong môi trường ánh sáng yếu với một chất lượng khả quan là một trong những điểm mạnh của One X, với ống kính có khẩu độ f/2.0 cùng một cảm biến ánh sáng ở phía sau chiếc điện thoại này có thể dễ dàng làm được điều đó. Những bức ảnh được tạo ra bằng chế độ HDR cũng rất hoàn hảo. Tuy nhiên phần mềm đi kèm với camera vẫn còn phải khắc phục nhiều khi mà việc tự động giảm nhiễu trong vùng ánh sáng thấp gây ra sự mất mát chi tiết đáng kể trong khung hình, cùng với đó việc tự động lấy nét của cũng gặp phải một chút trở ngại và phải sử dụng đến việc chạm của đầu ngón tay mới có thể khóa được khung hình cần lấy nét.  Tuy nhiên nhìn chung những bức ảnh được chụp từ One X dù là trong điều kiện thời tiết thế nào đi chẳng cũng có chất lượng khá tuyệt vời, dù rằng yêu cầu khắt khe từ người sử dụng luôn đòi hỏi một chiếc điện thoại di động có khả năng cho ra đời những bức ảnh tuyệt vời hơn nữa với góc nhìn rộng và ống kính có chất lượng cao hơn mà sự thành công của Nokia N8 với ống kính Carl Zeiss là một ví dụ.

Chất lượng hình ảnh mà One X ghi được là khá tốt, kể cả trong môi trường ánh sáng yếu

Trong khi khả năng cân bằng màu sắc của One X có thể xếp vào hàng đầu trong dòng điện thoại di động cao cấp thì chúng tôi lại nhận ra một số vấn đề với khả năng cân bằng trắng của chiếc điện thoại này. Chúng ta sẽ phải mất vài giây để One X có thể lấy lại khả năng cân bằng trắng ngay khi chúng ta khởi động camera của nó, điều này là một thiếu sót lớn nếu như bạn đang cố gắng để có thể chộp được một khoảnh khắc thoáng qua với chiếc điện thoại này. Khả năng đo sáng của máy là chuẩn xác nhưng với việc thiếu một vài khóa tiếp xúc cũng có nghĩa là trong một số trường hợp ( ví dụ như với hoàng hôn) chúng tôi sẽ gặp khó khăn hơn với chế độ EV để có thể giữ được màu sắc hoàn hảo cho toàn bộ tấm hình. Có lẽ chúng tôi hơi cầu kì một chút về mặt chi tiết kĩ thuật vì dù sao việc có thể cho ra đời những tấm ảnh đẹp một cách đơn giản nhất, nhất là đối với những tay máy nghiệp dư vẫn đang là mục tiêu hướng đến của đa số các nhà sản xuất điện thoại thông minh trên thế giới, và đối với những người đang trông đợi vào điều này thì việc chọn cho mình một chiếc điện thoại như One X là một lựa chọn không tồi.

Khả năng quay phim của One X cũng rất đáng để HTC có thể tự hào khi chiếc điện thoại này có thể ghi lại những đoạn video với chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn 1080p. Những đoạn video mà chiếc smartphone này ghi lại đều khá mượt mà với tốc độ lên tới 30 khung hình trên giây cùng với đó là khả năng tự động lấy nét liên tục và âm thanh stereo sắc nét. Kết quả từ đoạn phim chúng tôi quay được đã cho thấy phần nào của máy. Cũng có một vài lưu ý nhỏ với phần mềm nén file của máy và chế độ tự động điều chỉnh đôi khi tỏ ra nhạy quá mức cần thiết với những tiếng ồn do gió nhưng nhìn chung điều đó không quá ảnh hưởng đến nhận định của chúng tôi về khả năng quay video của One X. Tuy nhiên ngược với những thao tác nhanh chóng trong chế độ chụp ảnh tĩnh, camera của One X phải cần đến 4 giây giữa việc chụp một tấm hình trong chế độ quay phim với bản ghi thực tế, thế nên bạn đang có khả năng bỏ lỡ một đoạn ngắn đầu tiên của video nếu không có sự chuẩn bị. Và khả năng ghi lại những đoạn video “slow motion” với tốc độ được chuyển từ 60 khung hình trên giây xuống còn có 24 khung hình trên giây của One X cũng đáng để cho những đối thủ khác phải nể phục và dè trừng.

Hiệu năng và thời lượng pin 

Vậy là, những chiếc điện thoại lõi tứ đã thực sự “xuất trận”. Trong khi chúng ta đã có dịp thử qua những máy tính bảng chạy Tegra 3 với 4 nhân xử lý từ khá lâu, thì chiếc one X mới là chiếc điện thoại đầu tiên được trang bị cấu hình này, và hiệu năng của nó thông qua các bài test không làm chúng tôi phải thất vọng. Chúng tôi đã cố sử dụng các ứng dụng nặng nhất cốt để con chip này phát huy hết sức mạnh của mình. Là một trong những game “sát thủ phần cứng” trong thế giới di động, thế nhưng việc chơi, thậm chí là chơi rất mượt mà GTA 3 cũng không phải là một nhiệm vụ mà Tegra 3 phải bận tâm. Thậm chí ngay cả việc chuyển đổi nhiều ứng dụn ngay trong khi đang chơi cũng không ảnh hưởng gì tới tốc độ của chiếc điện thoại này, kể cả khi các ứng dụng dược chuyển đổi đó có thể nặng nề như phát video độ nét cao chẳng hạn. Hiệu năng của trình duyệt web cũng không có gì phải bàn thêm. Chúng tôi không thể phát hiện ra bất kỳ sự trễ nào trong khi sử dụng, kể cả khi có cuộn trang với tốc độ nhanh ở các trang web với nội dung nặng, nhiều hình ảnh và flash. Các nội dung này luôn được load xong trước khi chúng tôi kịp cuộn tới.

Tất nhiên để có thể so sánh một cách rõ ràng nhất, chúng ta nên đi vào một vài bài test của các trình benchmark chuyên dụng. Vì sức mạnh đặc biệt của con chip Tegra 3, nên chúng tôi chỉ tiến hành so sánh nó với những thiết bị được cho là mạnh mẽ nhất trên thị trường di động Android hiện nay, các ứng viên đó là: One S, Transformer Prime và Galaxy Note - “ông kẹ” hiện tại của điện thoại Android. Các phép thử về đồ họa cho thấy sự vượt trội của One X so với Note của Samsung. Có thể bạn thấy kết quả mà One X đạt được thua kém so với One S, tuy nhiên nên để ý rằng về hiệu năng tính toán đơn thuần thì các con chip Tegra chưa bao giờ được coi là mạnh mẽ nếu so với các đối thủ từ Qualcomm (ở cùng phân cấp), và một điều nhấn mạnh nữa là One S có màn hình với độ phân giải nhỏ hơn nhiều.

 

HTC One X

HTC One S

ASUS Transformer Prime

Galaxy Note

Quadrant

4,906

5,053

3,023

3,998

Linpack single-thread (MFLOPS)

48.54

103.88

43.35

64.3

Linpack multi-thread (MFLOPS)

150.54

222.22

67.05

95.66

NenaMark2 (fps)

47.6

61.0

46.07

32.8

NenaMark1 (fps)

59.5

60.8

60.07

56.6

Vellamo

1,617

2,452

953

901

SunSpider 9.1 (ms, lower numbers are better)

1,772.5

1,742.5

1,861

2,902

One X hỗ trợ đầy đủ các băng tần thông dụng của các mạng GSM, mặc dù để tận dụng được tính năng LTE thì bạn cần một phiên bản LTE dành riêng cho thị trường Mỹ với việc thay con chip Tegra 3 bằng SnapDragon S4. Tuy vậy ngay cả khi không có LTE thì tốc độ mạng của One X cũng đã rất tốt. Chất lượng cuộc gọi chấp nhận được, với khả năng lọc nhiễu bằng việc trang bị micro thứ 2, mặc dù không thể hết hoàn toàn trong một số điều kiện nhất định.

Tất nhiên, với hiệu năng cao thì cái giá phải trả chắc chắn sẽ là thời lượng pin. Vẫn bài thử nghiệm quen thuộc của chúng tôi: cho phát video liên tục, độ sáng màn hình đặt ở 50%, Wifi bật nhưng không kết nối, viên pin có dung lượng 1800mAh của One X chỉ có thể duy trì hoạt động cho chiếc máy được trong khoảng 6 giờ đồng hồ, một con số khá khiên tốn, kém hơn đến 2 giờ so với người anh em của nó, chiếc One S. Rõ ràng, việc sử dụng như thế này sẽ là rất bình thường nếu người ta có một chiếc máy với con chip mạnh mẽ như thế này, và sẽ là một tin đáng buồn: One X có lẽ không thể hoạt động liên tục trong một ngày làm việc bình thường của bạn! Chúng tôi hơi bất ngờ, vì con chip Tegra 3 với 4 nhân + 1 này đã thể hiện khả năng tiết kiệm pin rất ấn tượng trên chiếc Transformer Prime mà chúng tôi đã có lần thử nghiệm trước đây. Có lẽ là màn hình SLCD thế hệ thứ 2 của HTC, với độ phân giải cao và rộng tới 4.7 inch là nguyên nhân chính gây ra sự tiêu thụ năng lượng khó chấp nhận này.

 Phần mềm 

One X và One S (có lẽ là cả One V nữa) đều được trang bị phiên bản mới nhất của bộ giao diện nổi tiếng của HTC, giao diện Sense 4.0, chạy trên nền tảng hệ điều hành Android 4.0.3 Ice Cream Sandwich. Nhưng xin đừng nhầm lẫn, giao diện này không đơn giản là sự “rename” và bổ sung vài tính năng nhỏ của các phiên bản Sense trước đây, mà là một phiên bản được “gọt giũa” khá nhiều, lịa bỏ những tính năng thừa, những hiệu ứng không hiệu quả, vốn là nguyên nhân gây nên sự nặng nề trên những chiếc máy của HTC trước đây. Thế nhưng nó cũng không phải là một giao diện “thuần” hoàn toàn của ICS (thực ra Google đang cố hướng đến điều này: giao diện thống nhất trên các thiết bị Android). Bạn sẽ được sử dụng một phiên bản giao diện là sự tổng hòa những gì tốt và nhẹ nhàng nhất trên cả giao diện của Google lẫn giao diện Sense của HTC.


 One X với giao diện HTC Sense 4.0

Tất nhiên nói vậy không có nghĩa là Sense 4 là một giao diện hoàn hảo của Android. Tuy nhiên nó đã làm được nhiều việc, vẫn giữ được cái gốc của Android, chỉ đơn thuần là thêm vào những tính năng và hiệu ứng đẹp mắt (nhưng nhẹ nhàng), hơn là “vứt bỏ truyền thống”. Nói chung, sau sự phần nàn khá nhiều về những hậu quả mà các phiên bản Sense trước đây gây ra, HTC đã rút kinh nghiệm để đưa ra được một phiên bản nhẹ nhàng và ít gây phiền toái cho người dùng hơn (điều này làm chúng tôi chợt nhớ đến so sánh giữa Windows 7 và Windows Vista), và đó đã là một điểm mà chúng tôi hoan nghênh rồi.

Có quá nhiều điều để nói về giao diện Sense mới này mà chúng tôi sẽ không thể đề cập ở ngay trong phạm vi bài viết này. Hãy theo dõi bài viết của chúng tôi về Sense 4 để biết được nó mang lại điều gì mới hơn cho người dùng.

Kết luận 


Không có gì là quá đáng khi khẳng định rằng, HTC One X xứng đáng được liệt vào hàng siêu phẩm trong thế giới smartphone chạy Android. Những người chế tác ra One X đã biến chiếc điện thoại này thành sự kết hợp hoàn hảo giữa kiểu dáng trẻ trung, công nghệ chế tác hiện đại và những gì rút ra được từ trải nghiệm của người dùng. Với việc sở hữu một bộ khung chắn chắn và ấn tượng được làm từ những loại vật liệu tiên tiến nhất, một màn hình với chất lượng hình ảnh tuyệt vời, một camera chất lượng cao phù hợp với tiêu chí cho ra những bức ảnh đẹp nhưng lại rất dễ dàng sử dụng cùng với đó là giao diện Sense 4.0 mới với nhiều cải tiến, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu chiếc smartphone này tạo ra một cơn sốt mới trên thị trường, nhất là đối với giới nghiền công nghệ.

Tuy nhiên còn đó những khiếm khuyết với nỗi thất vọng lớn mang tên Tegra 3 khi mà vi xử lý lõi tứ này không thực sự hoàn hảo như những gì mà người ta đã từng trông đợi. Kể cả khi đặt nó bên cạnh vi xử lý Snapdragon S4 lõi kép được sử dụng trên người anh em One S của nó. Những cải tiến đáng kể về thời lượng pin cho máy cũng là một nhu cầu chính đáng của những người đã bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để đem về chiếc điện thoại mắc tiền này. Và người viết xin kết thúc bài này bằng một nhận định cuối cùng, chiếc điện thoại này cũng giống như một con kì lân vậy; một con kì lân hoang dã với vẻ đẹp của sự quý phái và sang trọng, bóng bẩy và hào nhoáng tuy nhiên đi kèm với nó là những bài học không nhỏ liên quan đến tiền bạc, và giá trị thực sự của đồng tiền. Liệu con kì lân này có thực sự thể hiện được hết khả năng của mình, liệu đây có phải là một sự lựa chọn hợp lý với túi tiền của bạn, có lẽ thời gian cùng với những trải nghiệm của cá nhân từng người sử dụng sẽ là đáp án chính xác nhất để trả lời cho câu hỏi này.

Tuy nhiên lựa chọn thế nào vẫn là tùy nhận định của bạn, hy vọng rằng những bài đánh giá và phân tích chi tiết của chúng tôi sẽ là một sự tham khảo xác đáng và hiệu quả để bạn có thể đưa ra những quyết định đúng đắn nhất mỗi khi muốn lên đời cho chú dế yêu của mình.

*Hiện tại HTC One X đã được phân phối chính thức tại thị trường Việt Nam với mức giá được đưa ra là vào khoảng 16,5 triệu đồng.

Bảng chấm điểm của The Verge với HTC One X