(Techz.vn) Sự việc tăng cước 3G của các nhà mạng đã ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống hơn chúng ta tưởng.
Hôm qua, 25/10/2013, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã ký Công văn số 11476/BGTVT-VT xin chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị kinh doanh vận tải ô tô do sự thay đổi cách tính cước dịch vụ 3G của các doanh nghiệp viễn thông lớn.
Nguồn tin từ Bộ Giao thông vận tải cho hay trong công văn này, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng tuần tra, kiểm soát tạm thời không xử lý vi phạm đối với các chủ xe, lái xe trong trường hợp thiết bị giám sát hành trình không hoạt động đúng quy định do tài khoản thuê bao 3G hết tiền đột ngột; thời gian áp dụng đến hết ngày 30/11/2013.
Việc cước 3G tăng cao không chỉ người tiêu dùng thông thường mới bị ảnh hưởng
Trước đó, Bộ Giao thông vận tải đã nhận được Công văn số 97/HHVT-VT ngày 23/10/2013 của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam về việc các doanh nghiệp viễn thông lớn thay đổi cách tính giá cước truyền dữ liệu dẫn đến chi phí dịch vụ 3G tăng đột ngột, khiến hàng vạn thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô ngừng hoạt động trên diện rộng do không kịp nạp tài khoản, hàng loạt đơn vị kinh doanh vận tải đứng trước nguy cơ bị thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, hàng vạn lái xe bị phạt 2,5 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 30 ngày.
Đồng thời, việc thay đổi cách tính cước phí này tạo ra gánh nặng chi phí lớn đối với đơn vị kinh doanh vận tải.
Trước đó, trong công văn gửi Bộ Giao thông vận tải, Hiệp hội Vận tải nêu rõ: “Theo Nghị định 91, các doanh nghiệp vận tải đã lắp đặt và khai thác sử dụng thiết bị giám sát hành trình (TBGSHT) để báo cáo tình hình hoạt động phương tiện cho các Sở GTVT và Tổng cục Đường bộ. Phần lớn các thuê bao sử dụng SIM 3G và đăng ký gói cước Laptop40, Mi10, Laptop Easy với mức cước hàng tháng từ 10.000 - 40.000 đồng/tháng. Nay do Viettel tăng giá cước đã làm cho các thuê bao “nhanh chóng hết tiền”, dẫn đến thiết bị giám sát hành trình ngừng hoạt động trên diện rộng".
Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an không xử phạt các xe bị ngừng thiết bị giám sát hành trình vì hết tiền cước thuê bao. Đồng thời, kiến nghị Viettel hãy hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay bằng việc giữ nguyên cách tính cước cho các thiết bị giám sát hành trình.
Theo cách diễn đạt của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam thì các nhà mạng đang trở thành thủ phạm khiến hàng ngàn doanh nghiệp đứng trước nguy cơ mất kiểm soát phương tiện và bị rút phép kinh doanh vận tải.
Rất nhiều người không biết rằng nếu sử dụng gói cước chuyên biệt cho dịch vụ giám sát phương tiện vận tải của Viettel thì các doanh nghiệp vận tải không bị ảnh hưởng bởi việc tăng giá cước 3G
Để "minh oan" cho mình, bà Phạm Thị Thanh Vân - Phó Tổng giám đốc Viettel Telecom đã lý giải: "Viettel chính thức cung cấp dịch vụ giám sát phương tiện vận tải V-tracking từ đầu năm 2011. Hiện Viettel đã có hơn 15.000 thuê bao sử dụng dịch vụ này. Viettel đang cung cấp 6 gói cước trả sau gồm: Dbiz 15, Dbiz 35, Dbiz 50, Dbiz 80, Dbiz 120, Dbiz 300. Doanh nghiệp vận tải có thể lựa chọn gói dịch vụ tuỳ theo nhu cầu sử dụng với chi phí chỉ từ 15.000 đồng/tháng. Đây là những gói cước chuyên biệt, được thiết kế với tính năng phù hợp mục đích sử dụng và giá cước ưu đãi dành cho việc giám sát phương tiện vận tải.
Các gói cước chuyên biệt này được Viettel thiết kế với giá ưu đãi dành riêng cho các doanh nghiệp vận tải. Để chia sẻ với doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, trong đợt điều chỉnh cước các dịch vụ data vừa qua, Viettel quyết định không điều chỉnh giá cước cũng như block tính cước của cả 6 gói dịch vụ này. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã tự mua và dùng các SIM D-com, di động thông thường để sử dụng vào mục đích giám sát phương tiện vận tải nên đã chịu ảnh hưởng khi giá cước 3G được điều chỉnh".
"Muốn tiết kiệm chi phí, các công ty vận tải và các công ty khác có nhu cầu sử dụng dịch vụ data để định vị, kết nối Internet nên đăng ký sử dụng những gói cước chuyên biệt cho dịch vụ giám sát phương tiện vận tải của Viettel. Trong trường hợp doanh nghiệp tự ý sử dụng các SIM D-com và Mobile Internet thông thường (vốn được sử dụng vào mục đích khác) thì Viettel không thể quản lý được trên hệ thống để áp dụng mức cước ưu đãi", bà Phạm Thị Thanh Vân nhấn mạnh thêm.
Mời các bạn xem thêm: Chết sặc với “Tào Tháo tăng cước 3G và sinh viên nghèo”
Công Thành (Theo ICT News)