Doanh nghiệp

Cùng nhìn lại 5 lần "phản đòn vật vã" của Vinasun từ ngày Grab vào Việt Nam

Cùng nhìn lại 5 lần

1. Viết ứng dụng đặt xe

Cùng nhìn lại 5 lần phản đòn vật vã của Vinasun từ ngày Grab vào Việt Nam - Ảnh 1.

Vinasun ra mắt ứng dụng đặt xe.

Năm 2015, trước sự đổ bộ của Uber và Grab , trong khi nhiều các hãng taxi truyền thống trong nước "chao đảo", tìm cách bắt tay và hợp tác với Grab và Uber trong cơn lốc "taxi công nghệ", thì Vinasun là đơn vị hiếm hoi duy nhất tuyên bố sẵn sàng "đánh tay đôi" với các hãng taxi công nghệ này.

Để thích ứng với thách thức mới từ các hãng taxi công nghệ, trong năm 2015, Vinasun đã cho ra đời ứng dụng đặt xe Vinasun.

Vinasun Apps được quảng cáo là giúp đáp ứng tốt hơn nhu cầu của hành khách, giúp người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn cho việc đặt xe thông qua điện thoại smart phone, ngoài các kênh gọi xe qua tổng đài, qua nhân viên điều hành. Khách hàng có thể thanh toán cước taxi bằng tiền mặt, coupon, thẻ thanh toán quốc tế, nội địa, thẻ thanh toán Vinasun, hủy đặt xe hoàn toàn không tính phí qua ứng dụng này. Vinasun apps có lẽ là một sự đầu tư nghiêm túc của Vinasun, khi có mặt đồng bộ trên cả 3 hệ điều hành iOs, Android, Windows phone.

Kết quả kinh doanh năm 2015 của Vinasun khởi sắc nhẹ: Doanh thu đạt 4252 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 328 tỷ, tổng số xe taxi hoạt động là 6.141 chiếc. Trong đó doanh thu tăng 12,78%, lợi nhuận sau thuế tăng 4,87% so với năm 2014.

2. Cho tài xế bán bưởi

Cùng nhìn lại 5 lần phản đòn vật vã của Vinasun từ ngày Grab vào Việt Nam - Ảnh 2.

Các tài xế của Vinasub bán bưởi trên xe. Ảnh: Internet.

Tuy vậy, những nỗ lực bắt kịp công nghệ của Vinasun có lẽ là không đủ, khi nhiều khách hàng của hãng này phản ánh, tính năng và trải nghiệm sử dụng của Vinasun không đạt được chất lượng như Uber hay Grab. Nhiều khách hàng còn than phiền Vinasun cố gắng nửa vời khi ứng dụng tính tiền "theo đường chim bay", nhưng trong thực tế, khách hàng lại phải trả tiền từ thông tin của thiết bị đo km truyền thống trên taxi.

Tháng 3 năm 2017, trong nỗ lực tăng doanh thu trở lại, Vinasun gây chú ý dư luận khi đưa việc kinh doanh bưởi da xanh lên những chiếc taxi của mình để giới thiệu tới khách hàng thông qua đội ngũ tài xế. Cụ thể trên taxi của mình, hãng này treo túi bưởi gồm 2 trái mang nhãn hiệu Tam Tân, được bán với giá 64.000 đồng một kg.

Phó Tổng giám đốc Vinasun, ông Tạ Long Hỷ, Vinasun khi đó cho biết trên báo giới rằng việc tiếp thị bưởi da xanh trên taxi của Vinasun là một hình thức giúp lái xe có thêm một khoản thu nhập. Khi tài xế giới thiệu và bán được bưởi sẽ được chia 20% giá bán. Tuy vậy, nỗ lực này không đem lại hiệu quả cao so với cố gắng bỏ ra của Vinasun nên chiến dịch này kéo dài không lâu và kết thúc sau đó.

3. Treo băng rôn phản đối Uber, Grab

Cùng nhìn lại 5 lần phản đòn vật vã của Vinasun từ ngày Grab vào Việt Nam - Ảnh 3.

Vinasun quyết định "tuyên chiến" trực tiếp với Grab và Uber.

Cũng trong năm 2017, có lẽ sau rất nhiều cố gắng trong cuộc chiến chống Grab, Uber. Vinasun đã không chịu nổi và quyết định "điểm mặt chỉ thẳng tên" đối thủ của mình. Ngày 8 tháng 10 năm 2017, các taxi Vinasun đồng loạt dán băng rôn tố cáo Uber và Grab vi phạm luật pháp Việt Nam.

Có hai loại băngrôn được dáng với nội dung khác nhau. Nội dung thứ nhất là "yêu cầu Uber và Grab phải tuân thủ pháp luật Việt Nam". Nội dung thứ hai là "đề nghị dừng thí điểm Grab và Uber vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh".

Tuy nhiên, hành động này của Vinasun không chỉ vấp phải sự phản đối của các tài xế của chính mình mà ngay sau đó ít ngày, sở GTVT TP.HCM cũng đã tổ chức họp khẩn yêu cầu taxi hãng Vinasun chấm dứt phản đối Grab, Uber bằng hình thức dán decal càng sớm càng tốt vì cho rằng điều này "không hay" và làm ảnh hưởng môi trường cạnh tranh. Với hành động này, Vinasun cũng châm ngòi một cuộc tranh cãi trên cộng đồng mạng và ít nhiều làm xấu đi hình ảnh của mình.

4. Chuyển sang hình thức "khoán xe"

Mô hình cho thuê xe (khoán xe) là quyết sách lớn được Đại hội cổ đông Vinasun thông qua.

Với mô hình truyền thống, Vinasun sẽ sở hữu xe, thuê người lái, chia sẻ doanh thu với lái xe. Lái xe nhận doanh thu 40-60% nhưng phải chịu tiền xăng. Vinasun trả phần còn lại, các chi phí khác liên quan xe như phí điểm đón, bảo dưỡng, sửa chữa. Lái xe là nhân viên công ty, được đóng bảo hiểm.

Với mô hình "khoán xe", lái xe nhận toàn bộ doanh thu và trả cho Vinasun một khoản phí thuê cố định từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng mỗi ngày. Tài xế chịu các chi phí khác liên quan đến xe gồm xăng dầu, bảo dưỡng, sửa xe, bến đỗ. Trong mô hình này, hãng sẽ không chịu trách nhiệm nộp bảo hiểm xã hội cho lái xe.

Chia sẻ trên Zing, một cựu tài xế cho biết đã có hàng nghìn lái xe nộp đơn xin nghỉ việc với quyết sách mới này.

Cùng nhìn lại 5 lần phản đòn vật vã của Vinasun từ ngày Grab vào Việt Nam - Ảnh 4.

Kết quả kinh doanh của Vinasun sụt giảm mạnh so với năm 2016.

Sau chiến dịch bán bưởi và treo băng rôn, năm 2017 kết quả kinh doanh của Vinasun giảm mạnh so với năm 2016 ở hầu hết các chỉ số. Tổng doanh thu của Vinasun là 3.226 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 189 tỷ, tổng số tài xế là 5.835. Trong đó, tổng doanh thu đạt 3.226,83 tỷ đồng, chỉ đạt 75,8% so với kế hoạch đề ra và giảm mạnh 32,26% so với năm 2016.

5. Kiện Grab đòi bồi thường hơn 41 tỷ đồng

Đầu tháng 10 năm nay, Vinasun lại một lần nữa gây xôn xao khi đâm đơn kiện đòi Grab bồi thường hơn 41 tỷ đồng vì cạnh tranh không lành mạnh. Trong đó, Vinasun tập trung vào tố cáo các vấn đề liên quan đến việc khuyến mãi tràn lan và phá giá của Grab.

Trong bối cảnh đó, các chỉ số về kết quả kinh doanh của Vinasun tiếp tục giảm mạnh. Trong báo cáo tài chính quý 3 năm 2018, Vinasun công bố doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2018 tính đến ngày 30 tháng 9 là hơn 1.556 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 55,7 tỷ đồng. So sánh với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu dịch vụ và bán hàng của Vinasun giảm gần 37% và lợi nhuận sau thuế đã giảm gần 2/3 so với năm ngoái.

Có lẽ việc đâm đơn kiện Grab bồi thường hơn 41 tỷ từ khoản thua lỗ của mình là "giọt nước tràn ly" của Vinasun sau một chuỗi thời gian "chịu trận" từ Grab.

Có câu ngạn ngữ "để chiến thắng trong một cuộc chơi bạn không không thể chiến thắng, bạn phải viết lại luật chơi". Rõ ràng Grab và các hãng taxi công nghệ đã viết lại luật chơi dựa vào thế mạnh công nghệ và mô hình kinh doanh mới. Việc Vinasun kiện Grab chơi "sai luật" và yêu cầu các hãng taxi công nghệ quay lại luật chơi cũ không phải là một hướng đi được đánh giá cao trong thời đại công nghệ đang dịch chuyển thế giới bằng những bước đi khổng lồ.

Theo Trí thức trẻ, Autopro

 

Nếu Vinasun thắng kiện Grab sẽ là một "cái tát" vào môi trường và văn hoá kinh doanh

(Techz.vn) Việc hãng taxi truyền thống Vinasun kiện Grab taxi đang gây ra rất nhiều tranh cãi khác nhau. Tiến sỹ Lương Hoài Nam cho rằng nếu toà xử cho Vinasun thắng kiện Grab thì đó sẽ là một cái tát vào mặt môi trường, văn hoá kinh doanh nói chung, vào chủ trương phát triển Công nghiệp 4.0 nói riêng ở nước ta.