'Chồng chửi vợ bị phạt tiền' khiến dân cư mạng dậy sóng
Bài viết liên quan
Lấy tiền của vợ nộp phạt cho chồng?
Điều 51 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy đình phạt tiền từ 500.000-1 triệu đồng đối với người có hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình. Theo như quy định thì nếu chồng chửi vợ hoặc vợ chửi chồng có thể bị phạt đến 1 triệu đồng.
Quy định này nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều. Có những người rất ủng hộ việc phạt tiền, nhưng cũng có những người nghi ngờ tính khả thi của nó.
Độc giả N.V.C. bình luận: "Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình có hiệu lực thi hành, trong đó có nhiều mức xử phạt tương ứng với các hành vi. Tôi rất hoan nghênh việc xử phạt với hành vi vợ chồng chửi nhau. Nếu xử phạt nghiêm như xử phạt vi phạm an toàn giao thông thì đây là một nguồn thu lớn cho "ngân sách" vì mức xử phạt cao, hành vi vi phạm nhiều. Hơn nữa văn hóa gia đình sẽ được nâng cao và tất nhiên là văn hóa xã hội cũng sẽ khác".
Dân mạng tranh cãi về quy định mới này
Một độc giả tên P. chia sẻ: "Rất cám ơn sự quan tâm và ban hành luật này. Kể từ bây giờ phụ nữ đã một phần giảm bớt bạo hành của người chồng".
Chồng chửi vợ thì bị phạt 1 triệu đồng
Nhưng bên cạnh đó có rất nhiều người nghi ngờ về tính khả thi của quy định xử phạt. Facebooker T.T.G cho rằng: "Như vậy cuối cùng phụ nữ vẫn thiệt, vì phải bỏ ra cả triệu nộp phạt cho chồng. Không biết tiền ấy rồi ai hưởng?". Độc giả có nickname B.B.B băn khoăn về việc thi hành trên thực tế của quy định mới: "Lại giống như hút thuốc lá nơi công cộng phạt tiền. Ai sẽ là người thu, ai sẽ là người giám sát. Luật đưa ra để rồi bỏ ngỏ không biết thi hành thế nào".
Ảnh chế hài hước
Thậm chí, có độc giả còn không muốn thi hành quy định bởi: "Không biết các bà vợ bị chồng đánh, chồng chửi có dám đi kiện chồng không? Nếu mà đi kiện thì coi như chồng mất một khoản nộp tô cho vợ rồi gia đình thì bị giảm thu nhập. Phạt càng nặng thì càng có ít bà vợ dám đi kiện chồng, càng làm tăng bạo lực gia đình".
Có bạn đọc chia sẻ cách xử phạt khác: "Vụ phạt này không áp dụng được vì túi tiền chồng cũng chính là túi tiền của vợ. Phạt thế thì thà bị ăn chửi còn hơn vì phần lớn các bà vợ nắm chi tiêu. Chúng ta nên thay bằng phạt lao động công ích, như vậy vừa thiết thực vừa có hiệu quả".
Nếu không khả thi thì nên bỏ?
Giải thích cho việc những quy định trên còn thiếu khả thi, thạc sỹ Hà Thị Thanh Vân (Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) phân tích: Người gây bạo lực và nạn nhân sau sự cố vẫn tiếp tục sống cùng nhau. Tài sản của vợ chồng là tài sản chung hợp nhất. Rất ít người có tài sản riêng. Về bản chất, việc xử phạt là lấy tiền chung để nộp phạt cho hành vi của cá nhân thực hiện. Do vậy, tính hiệu quả sẽ không cao, bất lợi vẫn rơi vào nạn nhân và những thành viên khác trong gia đình.
Bà Vân thừa nhận, hành vi bạo lực gia đình vẫn khó xác minh chứng cứ. Có trường hợp được xác minh là vi phạm, nhưng chính nạn nhân lại làm đơn bãi nại trước khiến việc xử phạt không thực hiện được."Quá trình hoạt động phòng chống bạo lực gia đình và tham gia xây dựng các văn bản luật về phòng chống bạo lực gia đình, chúng tôi đã rất băn khoăn về tính khả thi của một số quy định xử phạt", bà Vân cho hay.
Thạc sỹ Hà Thị Thanh Vân
Thạc sỹ Hà Thị Thanh Vân vẫn cho rằng, với đặc thù hôn nhân và gia đình, quan trọng nhất không phải là phạt tiền mà nên giúp người có hành vi chưa tốt hướng thiện bằng hình thức “xử phạt” mang tính hài hòa giữa răn đe của pháp luật với đạo lý làm người. Chính vì thế các cơ quan xây dựng luật cần nghiên cứu để có thể loại bỏ bớt một số quy định dùng tiền để phạt. Thay vào đó là tăng các hình thức phạt hướng vào chính cá nhân người có hành vi bạo lực để không ảnh hưởng đến các thành viên khác trong gia đình.
Mời bạn đọc thêm: Cho thuê cô dâu giá trăm triệu vẫn 'cháy hàng' vào mùa cưới
Thu Thủy