Video giới thiệu game Flappy Bird, game việt "đại náo" toàn cầu
Rất nhiều người đã bị shock, thực sự bị shock vì mức doanh thu quá khủng khiếp mà tựa game nhỏ bé này có thể mang lại cho người chủ sở hữu của nó.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, Hà Đông, tác giả của tựa game đã khẳng định, anh có thể kiếm được 50.000 đô la Mỹ, tức khoảng hơn 1 tỷ đồng một ngày từ đứa con tinh thần của mình. Một doanh thu cực kỳ khủng khiếp. Thậm chí, có nhiều tin đồn còn cho rằng, một doanh nghiệp phát triển game lớn muốn mua lại Flappy Bird với mức giá hàng trăm triệu (chính xác là 600 triệu) đô la Mỹ, một mức giá ngang với doanh thu của doanh nghiệp CNTT được cho là lớn nhất của Việt Nam, tập đoàn FPT, trong vòng 1 năm.
Ảnh minh họa - Hà Đông nhận giải Mobile Labs 2008 do FPT trao tặng
Vậy tại sao mức doanh thu của tựa game miễn phí này lại “khủng” như vậy? Nó có sức hấp dẫn như thế nào để khiến các đại gia làng game thế giới muốn mua lại bằng mọi giá? Bài viết này sẽ giúp các bạn tìm ra câu trả lời.
Game miễn phí, không có nghĩa là không thể kiếm tiền
Trên thực tế, chẳng có bất kỳ lập trình viên nào đủ hơi sức viết ra một ứng dụng/trò chơi mà hoàn toàn không đếm xỉa đến vấn đề lợi ích. Lợi ích đó có thể là danh tiếng, hoặc là tiền bạc, trong đó yếu tố sau luôn được đề cao hơn. Tuy nhiên, game miễn phí kiếm tiền như thế nào, khi mà thậm chí cả các hãng phát triển game lớn như EA, Gameloft vẫn thường xuyên cho ra những tựa game với mức giá “cho không”?
Clash of Clans, tựa game miễn phí nhưng vẫn kiếm tiền "khủng"
Cách đầu tiên, các nhà làm game sẽ kiếm tiền qua quảng cáo ở trong game. Khi chơi các tựa game miễn phí, tiêu biểu như chính Flappy Bird, hoặc một game khác như Angry Birds, chúng ta luôn luôn nhận thấy những banner quảng cáo cho các ứng dụng, các tựa game, hay thậm chí là các mẩu quáng cáo vật dụng thường ngày xuất hiện khi này, khi khác: trong lúc load game, trong lúc lựa chọn màn chơi, thậm chí là hiển hiện ngay cả khi ta đang chơi game. Do đặc thù là một loại ứng dụng mà người ta sẽ phải tiếp nhận các thông tin hiển thị trên màn hình một cách liên tục, quảng cáo trong game rất “có giá”, vì nó có hiệu quả rõ rệt.
Quảng cáo ứng dụng trong game có mức giá khá cao
Trò chuyện với anh Vũ Đức Hùng, chuyên viên về mảng quảng cáo trên thiết bị di động của công ty Truyền thông Netlink, anh cho biết, việc Hà Đông kiếm được 50.000 đô la Mỹ một ngày cho ứng dụng xếp hàng đầu trên bảng xếp hạng của Appstore cũng như PlayStore không làm anh ngạc nhiên.
Anh Vũ Đức Hùng, chuyên viên mảng quảng cáo thiết bị di động, công ty Truyền thông Netlink
“Quảng cáo trong game có giá cao vì sự ảnh hưởng tới người chơi là rất lớn. Mẩu quảng cáo sẽ đập vào mắt người chơi trong suốt quá trình họ chơi game, thậm chí khi sử dụng màn hình cảm ứng, người ta rất dễ “bấm nhầm” vào các quảng cáo này và do đó, hiệu quả tiếp thị càng cao. Do đó, mức giá cho mỗi 1000 lần xem quảng cáo (tức mỗi lượt sử dụng trò chơi), tức thông số ePCM, là khá cao, khoảng 0.3 – 0.4 USD/ePCM. Nếu người chơi click vào quảng cáo, thì mức tiền còn cao hơn, và sẽ đặc biệt cao hơn nữa khi người chơi cài đặt ứng dụng được quảng cáo. Và nên nhớ, đó mới là mức giá với Việt Nam, với các nước phát triển, mức tiền thậm chí có thể lên tới hàng USD/ePCM”.
Dù "FREE" nhưng vẫn có thể kiếm tiền từ các ứng dụng này
Áp dụng cụ thể vào trường hợp của game Flappy Bird, anh phân tích: “Mình cũng có theo dõi game Flappy Bird trong vài ngày vừa qua. Với 100 triệu lượt tải, là con số mình tạm ước tính, việc đạt doanh thu như thế là rất bình thường. Trong quá khứ, có tựa game đã đạt được kỷ lục cả triệu đô la một ngày. Thử giả sử, mỗi 1000 lần xem game này thu được 1 USD tiền quảng cáo, đó là tính trung bình vì phần lớn người chơi đến từ các nước phát triển nên giá có thể cao hơn nữa. Để đạt được 50.000USD/ngày ta cần 50.000.000 lượt chơi. Vì game cực khó nên người ta sẽ chơi khoảng 10 lần 1 ngày, do đó chỉ cần 5% trong tổng số người đã download chơi game này thì cũng đã đủ để đạt doanh thu như vậy. Theo ý kiến cá nhân của mình, thậm chí mức 50.000 USD này, Hà Đông cũng đã khiêm tốn đôi chút”.
Một hướng đi cũng rất phổ biến khác cũng được các nhà làm game tận dụng để kiếm tiền là giới thiệu cho những người chơi mua các vật phẩm trong game. Đây là một hướng đi rất thành công, đặc biệt là với các tựa game online, nơi mà sự “đổ tiền bạc” vào sẽ mang lại những lợi thế nhất định. Tiêu biểu cho xu thế này là các game như Clash of Clans, Asphalt,…
In-App-Purchase, cách kiế tiền rất phổ biến của các game miễn phí
“Tuy nhiên”, anh Hùng cho biết thêm, “Với một nhà phát triển làm việc độc lập như Hà Đông, hướng đi này rất khó để trở thành hiện thực vì nó yêu cầu sự đầu tư nghiên cứu, khảo sát cũng như một khối lượng lập trình khá lớn. Không thể tự nhiên đưa ra việc mua vật phẩm như kiểu “mua thêm 1 mạng” cho chú chim trong game. Game sẽ ngay lập tức mất đi tính hấp dẫn, ganh đua tối đa mà nó đã nhờ vào đó mà thành công”.
Game miễn phí cũng có giá trị
Trao đổi thêm thông tin về việc có đại gia công nghệ sẵn sàng bỏ hàng trăm triệu đô la Mỹ ra mua lại tựa game “chim say rượu”, anh Hùng có nhận xét: “Theo mình thông tin này rất cần phải được xác minh. Một tựa game với doanh thu 50.000 đô / ngày, tức khoảng 1.5 triệu đô / tháng cùng lắm chỉ có thể bán được với mức giá từ 100 tới 200 triệu đô la Mỹ. Mức giá 600 triệu đô có lẽ chỉ có thể có trong suy nghĩ của các nhà báo giàu tưởng tượng. Để so sánh, cả công ty Motorola vừa qua cũng chỉ được bán với giá 2.7 tỉ đô la Mỹ, trong khi họ có rất nhiều bằng sáng chế cực kỳ giá trị.”
Thông tin cho rằng Zynga muốn mua Flappy Bird với giá hàng trăm triệu đô la Mỹ có lẽ là hơi phóng đại
Giải thích thắc mắc của nhiều bạn đọc về việc tại sao lại có công ty sẵn sàng bỏ nhiều tiền mua lại Flappy Bird: “Thực ra điều này không có gì là lạ. Mình cũng đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh các loại game trực tuyến. Các đại gia muốn mua lại Flappy Bird để tận dụng hiệu ứng rất tốt của tựa game này, cũng như “mua” luôn cả cộng đồng đang rất đông đảo của nó. Sau đó, họ sẽ tìm ra các hướng đi để kiếm tiền theo dạng bán vật phẩm, rồi làm phong phú nội dung như thêm nhiệm vụ, thêm màn chơi,… Từ đó số tiền thu về có thể lớn hơn rất nhiều so với khoản 50.000 đô la 1 ngày như bây giờ”.
Kết luận
Vậy là việc kiếm tiền từ Flappy Bird hoàn toàn là khả thi, cột mốc doanh thu đáng mơ ước của nhà phát triển game này là hoàn toàn xác thực chứ không phải “chém gió” hay phóng đại nhằm “khuếch trương thanh thế” như nhiều tờ báo quốc tế cũng như nhiều độc giả đoán già đoán non.
Tương lai tươi sáng của Flappy Bird chắc chắn sẽ là sự khích lệ vô cùng lớn cho những người làm game nói riêng, cũng như những nhà phát triển ứng dụng của Việt Nam nói chung trong quá trình ngày càng hoàn thiện kỹ năng nhằm có phần từ mảng kinh doanh đang lên này.
Đọc thêm: Hướng dẫn tải về Flappy Bird, game Việt đang gây bão