Thiết bị âm thanh

Có gì khác biệt giữa những chiếc tai nghe tiền triệu và tai nghe chỉ vài trăm nghìn

Có gì khác biệt giữa những chiếc tai nghe tiền triệu và tai nghe chỉ vài trăm nghìn

Nếu bạn chỉ quen với những chiếc headphones đi kèm điện thoại thì có thể bạn sẽ bất ngờ trước cái giá vài chục triệu của những chiếc headphones cao cấp hiện nay. Có thể bạn đã nghe hoặc đọc được ở đâu đấy rằng thế giới có những chiếc headphones đắt đỏ như vậy, nhưng chưa hẳn là bạn đã hiểu được tại sao lại có cái giá kinh khủng như thế. Để trả lời cho câu hỏi này, mời các bạn đến với những phân tích sau đây của Techz.

Âm thanh là một thú chơi đặc biệt kén người chơi, kén thiết bị và luôn hướng về sự hoàn mỹ. Một chút thay đổi nhỏ về thiết kế hoặc chất liệu có thể dẫn tới những sai số về âm thanh, những thay đổi đó có thể là tốt lên hoặc xấu đi.

Cable và connector

Cable và connector là những phần cấu tạo gây ra sự ảnh hưởng khá lớn tới âm thanh của thiết bị đó. Hiệu năng truyền dẫn và độ sạch của tín hiệu là mối quan ngại hàng đầu của các audiophiles. Khi nói đến hiệu năng truyền dẫn thì chất liệu là yếu tối quyết định hàng đầu. Chất liệu được nói đến ở đây là chất liệu để sản xuất phần cable và connector (dây dẫn và phần kết nối).

 Cable bạc là một phụ kiện không chỉ phục vụ truyền dẫn mà nó còn khiến cho những chiếc headphones trở nên sang trọng hơn

Nếu các bạn đã được học môn Hóa học ở cấp phổ thông thì ít nhiều các bạn sẽ nhớ tới độ dẫn điện của các nguyên tố kim loại. Những nguyên tố dẫn điện phổ thông và tốt nhất trên thế giới, sắp xếp giảm dần đó là Bạc (Ag) – Đồng (Cu) – Vàng (Au) – Nhôm (Al).

Bạc và đồng là hai chất liệu chính để sản xuất những sợi cable cho chiếc tai nghe. Dĩ nhiên sẽ chẳng mấy nhà sản xuất sử dụng vàng, vì đồng còn có hiệu năng truyền dẫn cao hơn, trừ khi nhà sản xuất đó có mục đích sản xuất ra những thiết bị mang tính sang chảnh.

Beats Studio mạ vàng và đính kim cương - đã sang chảnh nay lại còn sang chảnh hơn!

Đồng có độ dẫn điện ≥ 58,0.106 S/m, nghĩa là tốt thứ 2, nhưng lại là lựa chọn hàng đầu vì lý do giá thành. Tuy nhiên ở những chiếc tai nghe đắt tiền, thứ đồng mà người ta sử dụng sẽ không phải là loại đồng trong lõi các sợi dây điện dân dụng mà là những loại đồng có độ tinh khiết cực cao, có thể lên tới 99,9999%. Giá thành của đồng không hề đắt, nhưng giá thành của những sợi cáp đồng non tinh khiết thì chẳng hề rẻ chút nào.

Một sợi cáp dành cho chiếc tai nghe Sennheiser HD598 có giá lên tới hơn 1,5 triệu đồng, mặc dù chiếc tai nghe chỉ có giá 4,6 triệu đồng. Hoặc là sợi cable của chiếc tai nghe iE8 do Swan Audio sản xuất có giá là 1,35 triệu đồng, mặc dù kích thước của nó chỉ giống như cable của những chiếc tai nghe 30 ngàn được bán ở chợ Giời.

Sợi cáp này do Whiplash sản xuất, dành cho chiếc Sennheiser iE8 và nó có giá lên tới 250 USD

Bạc với độ dẫn điện 61,39. 106 S/m là lựa chọn thứ hai. Những sợi cáp bạc tinh khiết luôn là ước mơ của những audiophiles trong cuộc chạy đua thiết bị. Một sợi cáp bằng bạc ngắn vài tấc cũng có thể có giá lên tới vài triệu đồng, phụ thuộc vào độ tinh khiết và kiểu thiết kế của nó. Tuy nhiên, xét về độ bền, đồng vượt trội hơn hẳn so với bạc, vì bạc tinh khiết quá mềm. Do đó hầu hết những sợi cáp headphone bằng bạc hiện nay chỉ là những sợi cáp được mạ bạc, và phần lõi là vật liệu tạo độ bền cho dây. Mặc dù vậy thì nó cũng tốt hơn bội phần so với những sợi cáp đồng thông thường.

Những sợi cáp bạc do hãng âm thanh HiFiMAN sản xuất có giá vài trăm USD

Thiết kế và vật liệu cấu tạo của bộ phận connector cũng là một nguyên nhân tạo ra cái giá đắt đỏ cho những chiếc headphones. Với một sợi cable nhỏ bé, một đầu kết nối có kích thước chỉ ngang hạt đỗ, chiếc Astell & Kern AKR03 vẫn sở hữu 4 pin cho một connector. Thiết kế của bộ phận connector này cực kỳ tinh xảo và dĩ nhiên hiệu năng truyền dẫn của nó cũng thực sự tuyệt vời.

Hình ảnh bộ connector 4 pins của chiếc Astel & Kern AKR03

Cấu tạo của những bộ loa bên trong

Sự đắt đỏ của những chiếc headphone cũng có sự “đóng góp” từ những thiết kế tinh tế và độ chính xác cao của màng loa. Hiện tại, những chiếc headphones có 2 kiểu màng loa chính đó là dạng Dynamic (loa điện động) và dạng Balance Amature (loa tĩnh điện). Những drivers của những chiếc tai nghe đắt tiền đều được thiết kế với độ chính xác cao, đồng thời để có được điều đó, vật liệu cũng phải thật cao cấp.

Màng loa tinh thể lỏng và màng loa cellulose là hai phát minh lớn trong công nghiệp âm thanh, thay cho những kiểu màng loa nhựa, giấy hoặc cao su truyền thống. Những kiểu màng loa cao cấp như vậy có thể tái tạo âm thanh một cách trung thực và mang lại chất riêng cho từng chiếc headphone. Tuy nhiên giá thành của chúng lại chẳng hề rẻ chút nào.

Sony 1R MK2 với thiết kế sang trọng và sở hữu cặp màng loa tinh thể lỏng

Kích thước của những bộ drivers và số lượng drivers trong một chiếc tai nghe cũng khiến giá thành của chúng bị ảnh hưởng. Với công nghệ ngày càng hiện đại thì những chiếc drivers càng trở nên tí hon hơn và người ta càng có thể nhét được nhiều drivers trong một chiếc tai nghe hơn. Các drivers nhỏ bé sẽ được phân công các nhiệm vụ riêng trên từng dải tần số, và việc phối hợp hoạt động sẽ cho ra một thứ âm thanh hoàn hảo. Vừa qua, Astel & Kern đã cho ra mắt chiếc IEM AKR03 với số lượng drivers khủng khiếp, lên tới 12 drivers mỗi bên. Như vậy, với kích thước bé nhỏ của một chiếc In-ear, mỗi driver trong chiếc AKR03 có thể chỉ bé bằng hạt đỗ!

Chiếc Astel & Kern AKR03 và máy nghe nhạc AK240. Combo này có giá lên tới gần 100 triệu đồng

Kiểu dáng thiết kế và vật liệu

Ngoài những nhân tố mang tính thứ yếu nói trên thì kiểu dáng và vật liệu cũng là những thứ tạo ra sự đắt đỏ cho những chiếc headphones. Những sợi cáp đồng tinh khiết đắt tiền, những drivers tinh xảo dĩ nhiên không thể được đặt bên trong những thứ nhựa rẻ tiền được. Shells (vỏ ngoài) của những chiếc tai nghe có thể được làm từ nhựa cao cấp, hợp kim siêu bền, siêu nhẹ hoặc thậm chí là những vật liệu cao cấp như hợp kim Titan, hợp kim Magie, những thứ chỉ thấy trong ngành công nghiệp hàng không – vũ trụ. Năm 2013, Sennheiser đã cho ra mắt chiếc iE800 với vật liệu làm shells là gốm cao cấp chống va đập, vỏ phần dây cáp được làm từ vật liệu chống đạn và nó được bán ra với mức giá 21 triệu đồng.

Hình ảnh chiếc Sennheiser iE800 với giá gần 21 triệu đồng

Những năm trở lại đây, Custom headphone đã gây ra một trào lưu trong giới chơi âm thanh. Kiểu thiết kế tai nghe chỉ dành riêng cho đôi tai của chủ nhân này sẽ tạo ra tính cá nhân hóa và riêng tư đặc biệt cho chính chiếc tai nghe của mình. Người dùng sẽ phải lấy khuôn tai của mình và nhà thiết kế sẽ dựa vào đó để tạo ra một cặp shells. Sau đó nhà thiết kế sẽ lấy những drivers của chiếc headphone mà người chơi muốn thiết kế lại và đặt vào phần shell mới đó.

Kỹ thuật viên đang bơm silicon vào ông tai khách hàng để lấy phôi khuôn tai

Những công đoạn trên tưởng chừng đơn giản nhưng lại vô cùng cầu kỳ và đòi hỏi kỹ thuật viên phải có tay nghề cao. Việc đặt sai lệch vị trí drivers vào shells mới có thể tạo ra sự sai lệch âm thanh trầm trọng.

 

Một cặp phôi đang ở giai đoạn thô và cần được đẽo gọt hoàn chỉnh

Với những yêu cầu khắt khe này thì giá thành một “ca” Custom headphones có thể dao động từ 3-5 triệu đồng, cộng với chi phí của chiếc headphones bỏ ra để lấy drivers và cả phần dây – jack thì đây thực sự là một cuộc chơi khá tốn kém. Tuy nhiên những chiếc Custom headphones luôn có một vẻ đẹp sang trọng mà gần như bấy kỳ người chơi headphone nào cũng ao ước có được.

Một chiếc Custom IEM cực kỳ sang trọng với sợi cable cũng được làm từ lõi bạc

Trong qui trình sản xuất một chiếc headphone, mỗi công đoạn, mỗi thứ vật liệu đều tạo ra một giá trị nhất định, và từ đó cũng đẩy giá thành lên theo cấp số cộng. Tuy nhiên Techz chỉ đề cập đến những gì tạo ra giá trị lớn cho một chiếc headphone và quyết định chủ yếu đến giá thành của nó. Nên nhớ rằng, trong cuộc chơi âm thanh, “hơn một tí là một ví tiền”. Hi vọng những gì ở trên sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ thêm phần nào về giá trị của thiết bị và đồng thời là giá trị của âm thanh, cũng như trả lời được câu hỏi "Headphones hàng chục triệu và headphones vài trăm nghìn khác gì nhau?"

 Đọc thêm: Tìm hiểu về 'cảm âm' và những thuật ngữ âm thanh cơ bản

Gemini