Nhịp sống số

Chỉ bằng một câu nói, cựu chuyên gia Apple từng bị Steve Jobs đuổi việc 5 lần được phục chức và trả lương ngay lập tức

Chỉ bằng một câu nói, cựu chuyên gia Apple từng bị Steve Jobs đuổi việc 5 lần được phục chức và trả lương ngay lập tức

Năm 2015, bộ phim về cuộc đời Steve Jobs được công chiếu, là sản phẩm do đạo diễn Danny Boyle và ê-kíp của mình làm nên sau khi nghiên cứu về cuộc đời vị CEO đã đưa Apple lên tầm đế chế công nghệ hùng mạnh như ngày nay. Thế nhưng, phản ứng của nhiều người về nội dung của nó và những sự thật lộ ra về quá khứ mới là thứ khiến cộng đồng phải quan tâm thật sự.

Một trong những người gần gũi với Steve Jobs đầu tiên lên tiếng rộng rãi chính là Andrea "Andy" Cunningham - cựu chuyên gia quan hệ công chúng và báo chí của Apple những năm đầu tiên thành lập, từng tự nhận bị Steve Jobs sa thải tới... 5 lần. Khi được hỏi về độ xác thực của nội dung bộ phim cuộc đời của Steve Jobs, Cunningham đã trả lời rất bất ngờ: Có hàng trăm lỗi sai vặt ở trong phim, nhưng nó cũng góp phần nói lên một sự thật không phải ai cũng biết về tính cách của vị cựu CEO Apple này - và Cunningham thực sự yêu thích bộ phim ở điểm đó.

Chỉ bằng một câu nói, cựu chuyên gia Apple từng bị Steve Jobs đuổi việc 5 lần được phục chức và trả lương ngay lập tức - Ảnh 1.

Michael Fassbender được nhận giải Quả Cầu Vàng vì đóng góp vai diễn chính về Steve Jobs trong bộ phim cùng tên.

Mâu thuẫn về nội dung bộ phim cuộc đời Steve Jobs

Theo nhiều luồng ý kiến khi ấy, khác với Cunningham, hầu hết những người được cho là thân thiết và có vị trí gần với Steve Jobs trong công ty trước kia đều tỏ ra phản đối vì bộ phim cho thấy Steve Jobs là một con người có tính khí tiêu cực, nóng nảy, đôi khi còn thiếu tôn trọng tới các nhân viên trong quá trình làm việc và đối xử. Trong khi phía còn lại thì có xu hướng hưởng ứng nó, thậm chí phần lớn cũng vẫn là những người thực sự đã làm việc và liên quan tới Apple trong quá khứ.

Cả Tim Cook (CEO Apple hiện tại) và Jony Ive (Trưởng ban thiết kế Apple hiện tại) là những gương mặt phản đối bộ phim mạnh mẽ nhất, dù sau này họ đã thừa nhận còn... chưa từng xem bộ phim đó. Vợ của Jobs - Laurene Powell Jobs - còn nỗ lực ngăn cản quá trình sản xuất và lên sóng của bộ phim này. Bên chiến tuyến ngược lại có Andy Cunningham như đã đề cập, ngoài ra thêm cả Steve Wozniak (đồng sáng lập Apple), John Sculley (cựu CEO của Apple) - những người yêu thích cách bộ phim truyền tải nội dung.

Chỉ bằng một câu nói, cựu chuyên gia Apple từng bị Steve Jobs đuổi việc 5 lần được phục chức và trả lương ngay lập tức - Ảnh 2.

Cunningham cho rằng tài năng của Steve Jobs là không thể phủ nhận, ông là một lãnh đạo tài giỏi với thành tích khiến người đời ngưỡng mộ. Nhưng về phần tính cách, bộ phim của Danny Boyle đã lột tả rất chân thực và không có điều gì để mà phản đối cả.

"Ông ấy đã một tay thay đổi bộ mặt công nghệ của toàn thế giới, tôi cũng cảm thấy rõ rằng mình tốt hơn sau khi làm việc với Steve Jobs - ngoại trừ cách thức mà ông làm để thúc đẩy mọi người hoàn thành mục tiêu được đề ra khi mọi thứ trở nên khó khăn và căng thẳng. Có thể các chi tiết trong phim không được làm lại chính xác 100% như tình tiết trong quá khứ, nhưng thái độ và tinh thần mà nó tạo ra thì rất sát với sự thật."

Lần sa thải đầu tiên: Bất ngờ và sốc, tưởng như bế tắc không lối ra

Andy Cunningham từng là một nhân tố rất quan trọng trong quá trình sau khi mới thành lập Apple và phát triển thành công chiếc máy tính Macintosh đầu tiên. Bà cũng đóng vai trò như một trợ lý chuyên gia truyền thông báo chí đắc lực của CEO Steve Jobs, hiện tại đang là chủ tịch hãng marketing Cunningham Collective và tự xuất bản sách. Thế nhưng, đến tận năm 2017, thông tin Cunningham bị Steve Jobs sa thải tới 5 lần mới được chính bà chia sẻ và nổi lên rộng rãi.

Đó là đích thân lời kể của Andy Cunningham khi trò chuyện với Business Insider. Bà cho biết lần đầu tiên mình bị sa thải có mức độ "gây sốc" nhất trong tất cả mọi lần (dù 5 lần có lẽ là một khả năng quá đỗi hiếm hoi trên đời, lại còn cùng do một người chỉ đạo nữa). Khi đó, Cunningham được Steve Jobs mời riêng vào phòng làm việc, với CFO (Giám đốc Tài chính) của Apple đã có mặt sẵn ở đó, rồi vị CEO nhìn thẳng vào bà và nói: "Tôi sẽ cắt hợp đồng với cô, Cunningham. Công việc cô đang đảm nhận có kết quả cực kỳ tệ và chúng tôi sẽ không để yên như thế. Vậy đó, cô bị sa thải."

Chỉ bằng một câu nói, cựu chuyên gia Apple từng bị Steve Jobs đuổi việc 5 lần được phục chức và trả lương ngay lập tức - Ảnh 3.

Sarah Snook (trái) là diễn viên thủ vai Andy Cunningham (phải) trong bộ phim Steve Jobs.

Ban đầu, Cunningham nghĩ ngay rằng đây là lần cuối cùng mình còn được làm việc với công ty. "Tôi đã cảm thấy bất ngờ và không kịp chuẩn bị tâm lý chút nào. Khi đó tôi còn trẻ, không bật khóc nhưng cũng chẳng biết phải xử lý thế nào," bà chia sẻ. Sau khi nhận tin, bà đành đáp lại bằng cách thông báo về số tiền lương 35.000 USD theo hợp đồng tháng vừa rồi, nhưng Steve Jobs đã ngay lập tức ngắt lời: "Chúng tôi sẽ không phí khoản tiền đó để trả lương cho cô vì những gì cô làm được hoàn toàn không xứng đáng."

Như bước vào ngõ cụt, Cunningham đành rời phòng và gọi cho cố vấn viên Regis McKenna của mình để kể lại sự việc, không biết làm gì tiếp theo nữa. Regis trả lời khá bình tĩnh: "Vậy đó, nếu muốn được Steve Jobs và công ty trả lương, cô cần phải có thứ gì đó hơn ông ta, khiến ông ta cần và chứng tỏ điều đó ở bản thân." "Nhưng tôi không có gì để so được, nhất là đối với một người như Steve Jobs, ông biết mà Regis," Cunningham bế tắc.

Thế nhưng, giây phút đó Regis đã nói ra một câu như thể khai sáng Cunningham khỏi ngõ cụt: "Không đâu, có một thứ đấy. Các mối quan hệ công chúng và báo chí của cô."

Trở lại Apple, khiến Steve Jobs phải làm ngược lại quyết định của mình

Sau đó, Cunningham trở lại công ty, nhờ quãng thời gian từng khá vui vẻ và thân thiết với CFO hiện tại nên đã liên hệ được gặp Steve Jobs thêm một lần nữa. Khi đứng trước Steve Jobs, Cunningham lại một lần nữa đề xuất vấn đề của mình: "Steve, ông nợ tôi 35.000 USD. Tôi có dự định tự mở một công ty mới và cần số tiền đó. Ông có thể vui lòng viết một tấm séc và trả đúng số tiền cho tôi được không?"Vẫn một lời đáp như cũ, Steve Jobs nói: "Tôi sẽ không làm thế. Và nếu có thì tại sao tôi phải làm theo lời cô?"

Chỉ bằng một câu nói, cựu chuyên gia Apple từng bị Steve Jobs đuổi việc 5 lần được phục chức và trả lương ngay lập tức - Ảnh 4.

Không ngần ngại, Cunningham thẳng thắn: "Như ông biết đấy, mỗi tuần tôi nhận khoảng 30-40 cuộc gọi từ giới báo chí và tin tức - những bên đối tác khá quen thuộc với Apple trong suốt những năm qua . Họ luôn muốn biết từ tôi rằng Steve Jobs là một vị lãnh đạo như thế nào, có cách làm việc ra sao. Hiện tại thì tôi vẫn đang nói tốt về ông, hiện tại thôi nhé." Kết quả: Steve Jobs viết séc trả tiền cho Cunningham ngay lập tức và thậm chí còn thuê bà trở lại làm việc.

Theo chia sẻ từ Cunningham, Jobs là một người cục tính và rất dễ nổi nóng, khó mà kiên nhẫn và giỏi kiềm chế trước mọi việc: "Ông thường đặt ra kỳ vọng cho mỗi người khi giao việc, mà nếu kết quả công việc đó không như mong đợi, chắc chắn ông sẽ không ngại mà nổi giận ngay trước mặt mọi người. Quát mắng chỉ là phần nhẹ, nói tục và miệt thị là phần nặng hơn, thường có lúc ông còn ném những vật dụng về phía người khác như một vài tập giấy hay đồ dùng văn phòng." Chính thói quen và tính khí này của Jobs đã giải thích cho việc vì sao Cunningham bị sa thải liên tục tới 5 lần như vậy.

Cộng thêm câu chuyện của chính Cunningham, mọi thứ nghe có vẻ bức xúc và tàn nhẫn, nhưng bà lại tỏ ra khá điềm đạm và từ tốn khi nói về cách xử sự của Steve Jobs: "Một số người coi đó là cách để mình biết chịu đựng rồi phấn đấu thêm. Vài người khác thì không cứng rắn đến thế, họ cảm thấy bị xúc phạm và không chịu được cách làm việc như vậy. May mắn là bản thân tôi lại thuộc kiểu người thứ nhất, hơn nữa ít nhất thì sau lần đầu tôi đã biết cách làm tốt công việc của mình hơn nhiều, và tôi không nghĩ là nếu chịu đựng để rời công ty ngay lúc đó, tôi đã có thể trở thành con người ngày hôm nay."

Theo: Kênh 14 

 

Đây là cách Steve Jobs khiến nhân viên nhanh chóng nói ra hạn chế của mình

(Techz.vn) Nếu muốn nhân viên tự giác nói ra những gì họ chưa làm được, hãy học theo cách của Steve Jobs.