Câu nói "Tiền nhiều để làm gì" của ông chủ Trung Nguyên đang gây bão mạng xã hội: Vậy tiền bạc có thực sự đáng để tranh nhau "sứt đầu mẻ trán" không? Câu trả lời đáng suy ngẫm!
Ngày 20/2, trong phiên tòa xét xử ly hôn, ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên) và bà Lê Hoàng Diệp Thảo (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cà phê hòa tan Trung Nguyên) không ngừng tranh cãi gay gắt về vấn đề tài sản và trách nhiệm. Quá bực bội và thất vọng, ông chủ Trung Nguyên đã lớn tiếng thốt lên với vợ: "Tiền để làm gì? Tiền nhiều để làm gì mà để ngày hôm nay ngồi như thế này?".
Câu nói này nhanh chóng gây bão trên mạng xã hội với nhiều ý kiến khác nhau. Người ta không ngừng đặt ra những câu hỏi và suy ngẫm về giá trị thật sự của đồng tiền, liệu tất cả có đáng để hai người từng là vợ chồng đầu ấp tay gối, nay lại tranh nhau đến "sứt đầu mẻ trán" hay không?
Những câu chuyện sau có thể sẽ thay đổi câu trả lời của bạn:
01.
Chúng ta đều từng tự hỏi rằng: "Mình có thực sự muốn kiếm nhiều tiền không?" Đây đúng là một câu vô nghĩa - làm gì có ai không muốn làm giàu? Bản thân tôi đã suy nghĩ về điều này trong một thời gian dài, nhưng có lẽ câu trả lời của nó không đơn giản để dễ dàng nhận ra ngay.
Trước kia, tôi cực kỳ bài xích những người chỉ biết đến tiền. Trong cuốn nhật ký cũ, đã có lần tôi ghi lại ước mơ thuở nhỏ là muốn trở thành một người "đóng góp cho xã hội trong tương lai". Lúc đó, tôi cho rằng mọi người nên theo đuổi sự thỏa mãn về tinh thần. Việc hưởng thụ vật chất chỉ đến trong ngắn ngủi, còn sự giàu có trong tinh thần mới kéo dài mãi mãi, sử dụng suốt đời và thậm chí sau khi kết thúc cuộc đời, nó vẫn có thể để lại một "ốc đảo cảm hứng" cho các thế hệ tương lai. Còn nhà giàu mới nổi thì có gì giỏi chứ, vẫn bị người ta khinh thường mà thôi.
Đến khi trải nghiệm nhiều hơn, đọc thêm nhiều sách và gặp thêm nhiều người, tôi bắt đầu phát hiện ra sự sai lầm của mình. Những người tôi cho là "nhà giàu mới nổi" đó đều tự thân đi lên từ hai bàn tay trắng, dùng sức sáng tạo của mình để làm ra của cải và giá trị cho xã hội. Hãy nhìn Bill Gates, Zuckerberg, Jack Ma,... họ không chỉ có sự siêng năng tuyệt vời, năng lực tài ba và đạo đức kinh doanh, mà còn tạo ra các phương thức sản xuất mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế toàn cầu, từ đó nâng cao giá trị cá nhân.
Tiền bạc không mua hạnh phúc nhưng nó có thể mua được những giá trị đem lại hạnh phúc.
Tiền bạc khiến người ta không phải lo lắng vì kế sinh nhai mỗi ngày, đây chính là "tự do của sự giàu có". Họ tự do sử dụng thời gian của mình để phục vụ những nhu cầu, sở thích riêng của bản thân. Không mất thời gian kiếm tiền tương đương với việc họ được sống cho chính mình nhiều hơn những người khác.
Nếu một người có được "tự do giàu có" ở tuổi 40, anh ta đã có tới 25 năm để hưởng thụ, sớm hơn so với những người nghỉ hưu ở độ tuổi 65. Ví dụ như Bill Gates luôn thoải mái làm từ thiện, Zuckerberg nghiên cứu cách tạo ra các mô hình xã hội tốt hơn để thay đổi thế giới, Elon Musk theo đuổi ước mơ vũ trụ của mình... Cho dù không kiếm tiền, họ vẫn có ý thức về sứ mệnh tiếp tục tạo ra giá trị xã hội. Quả thật, tiền bạc chính là công cụ giúp họ thực hiện sở thích và nâng cao giá trị bản thân.
02.
Một người đàn ông từng đặt giá trị của hạnh phúc và tiền tài ngang nhau. Thời điểm nghèo khó, anh luôn muốn tập trung làm giàu, kiếm về nhiều tiền hơn nữa để đem lại cuộc sống sung túc đủ đầy hơn cho gia đình mình. Anh cho rằng, hạnh phúc sẽ đến khi vật chất tăng lên. Tuy nhiên, sau một thời gian, anh lại bắt đầu rơi vào một vòng luẩn quẩn khác. Anh ta tự hỏi liệu số tiền mình kiếm về đã đủ để hạnh phúc chưa? Càng gửi về nhiều hơn, anh càng cảm thấy không đủ. Anh tiếp tục lao vào kiếm tiền để gia tăng thu nhập, ngày càng ít liên hệ hỏi thăm gia đình. Khi người thân dần trở nên xa lạ, để thoát khỏi sự trống rỗng về tinh thần, anh lại càng làm việc nhiều hơn nữa.
Cho đến một ngày, vì quá căng thẳng về tâm lý, anh ngã bệnh, phải nghỉ việc và về quê nghỉ ngơi để có người chăm sóc. Đến tận bấy giờ, mối quan hệ của anh với gia đình mới trở lại thân thiết hơn. Cho dù không kiếm ra đồng nào, anh lại tìm được cảm giác hạnh phúc trước kia.
Câu chuyện đơn giản nhưng khiến người ta nhận ra rằng: Hạnh phúc không chỉ đến từ vật chất mà còn là sự thỏa mãn về tâm hồn, khi bản thân được kết nối chặt chẽ với thế giới xung quanh. Như Zuckerberg giàu sang đến mấy vẫn chỉ sống trong một ngôi nhà bình thường và lái một chiếc xe không quá đắt đỏ, ông chủ Facebook biết cách tự kết nối mình với xã hội, không đặt bản thân vào vị trí quá tách biệt đời sống, tìm ra sự thỏa mãn từ những điều thường nhật nhỏ nhặt nhất.
Sống trên đời, ai mà không hy vọng bản thân có thể kiếm được nhiều tiền và trở nên giàu có, không còn phải bán thời gian để tồn tại. Thế nhưng, khi đã đạt được điều ấy, chúng ta không nên đắm chìm vào giá trị vật chất mà chúng đem lại, vì sự thỏa mãn từ việc tiêu tiền chỉ như một món thức ăn nhanh, đến nhanh đi càng nhanh chứ không tồn tại lâu dài. Thay vào đó, chúng ta vẫn tiếp tục tạo ra giá trị có ích cho xã hội, cho người thân, cho bạn bè xung quanh theo cách riêng của mình. Khi các giá trị được thỏa mãn, tự dưng ta sẽ nhận ra tiền bạc cũng không quá quan trọng đến mức "sứt đầu mẻ trán" vì nó như vậy. Tại thời điểm đó, hạnh phúc nhất định đã ở ngay bên cạnh ta chứ không phải đi tranh đoạt đâu xa.
Theo: Trí Thức Trẻ
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ muốn phân chia tài sản thế nào?
(Techz.vn) Về tiền mặt, ngoại tệ, vàng trong các ngân hàng tương đương hơn 2.000 tỷ đồng, luật sư của ông Vũ đề nghị HĐXX chia theo tỉ lệ ông vũ 70%, bà Thảo 30%.