Nhịp sống số

Cấm Huawei, nông dân Mỹ có thể mất kết nối mạng di động

Cấm Huawei, nông dân Mỹ có thể mất kết nối mạng di động

Kevin Nelson phải dừng lại ở giữa trang trại rộng hơn 14 kilomét vuông của mình ở phía đông bắc Montana (Mỹ) do máy cày bị hỏng. Ông đã cố gắng dò sóng di động để gửi bức ảnh chụp phần linh kiện bị hỏng cho cửa hàng sửa chữa ở cách đó hơn 100km nhưng không thành.

"Thật bực bội", Nelson, 47 tuổi, nói về việc sóng di động kém. "Chúng tôi tiếp tục nhận được thông tin rằng mạng sẽ được cải thiện, sớm thôi". Tuy nhiên điều này sẽ không thể đến sớm được.

Kevin Nelson chờ đợi mạng di động ở khu vực của ông sẽ được cải thiện.

Kế hoạch nâng cấp mạng không dây gần trang trại của Nelson đã bị dừng đột ngột trong tháng này khi Tổng thống Trump ban hành lệnh cấm mua thiết bị của các công ty bị coi là mối đe dọa an ninh quốc gia. Nó bao gồm thiết bị từ Huawei, gã khổng lồ lĩnh vực viễn thông đến từ Trung Quốc, nhà cung cấp hạ tầng chính cho các nhà mạng vùng nông thôn Mỹ.

Giám đốc điều hành nhà cung cấp dịch vụ không dây trong khu vực của Nelson nói rằng công ty không thể tiếp cận các sản phẩm giá rẻ của Huawei. Nhà mạng này không đủ khả năng xây dựng trạm phát sóng theo kế hoạch nhằm phục vụ trang trại của ông.

Lệnh cấm của chính quyền Trump với Huawei đã tác động tới ngành viễn thông. Các nhà mạng ở một số quốc gia, bao gồm Anh và Nhật Bản, cho biết sẽ không bán điện thoại của thương hiệu này. Google ngừng cung cấp hệ điều hành Android cho các smartphone Huawei mới, các sản phẩm vốn phổ biến ở châu Âu và châu Á.

Nhưng có lẽ không nơi nào mà lệnh cấm lại ảnh hưởng sâu sắc như vùng nông thôn nước Mỹ, nơi mà chất lượng dịch vụ mạng chưa được đồng nhất dù chính phủ đã nỗ lực để cải thiện. Những người nông dân cũng không thật sự tin vào sự thay đổi kinh tế được tạo ra bởi chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Họ thậm chí lo sợ về một đòn trả đũa đánh vào xuất khẩu.

Huawei đóng vai trò rất quan trọng cho nhiều nhà mạng mở rộng vùng phủ sóng, phục vụ những vùng dân cư thưa thớt, vì thiết bị của họ thường có giá rẻ hơn so với các thiết bị khác cùng tầm phủ sóng.

Lệnh cấm của tổng thống Trump đang buộc các nhà mạng như Nemont phải bỏ dở kế hoạch mở rộng. Ngoài ra, một số công ty đã sử dụng thiết bị Huawei lo ngại rằng họ sẽ không còn được chính phủ trợ cấp để đưa dịch vụ của mình tới các khu vực xa xôi.

Joseph Franell, giám đốc điều hành East Oregon Telecom, một nhà mạng nhỏ phụ thuộc vào các sản phẩm của Huawei, cho biết ông đã phải suy nghĩ lại về chiến lược kinh doanh của mình. "Lý do chúng tôi có thể phục vụ khách hàng của mình là vì luôn quan tâm đến vấn đề chi phí", ông nói. "Chúng ta không thể ra ngoài và mua một chiếc siêu xe Lamborghini trong khi bạn chỉ có thể mua một chiếc bán tải Ford".

Huawei kinh doanh nhiều sản phẩm công nghệ, bao gồm cả smartphone, nhưng phần lớn doanh thu đến từ việc bán thiết bị mạng. Chỉ có một vài công ty khác, chẳng hạn Nokia và Ericsson đều có trụ sở ở châu Âu, bán những thiết bị tương đương.

Nhiều nhà mạng ở vùng nông thôn Mỹ sử dụng thiết bị của Huawei.

Các quan chức tình báo Mỹ cáo buộc Huawei là một phần trong tham vọng mở rộng của chính phủ Trung Quốc và cho rằng thiết bị của Huawei có thể hoạt động gián điệp hoặc tấn công mạng. Ông Trump dường như đang sử dụng Huawei như một con tin trong việc thương lượng với Trung Quốc trong chiến tranh thương mại.

"Huawei được coi là cái gì đó rất nguy hiểm", chủ tịch công ty nói. "Có thể Huawei sẽ trở thành một phần trong các thỏa thuận thương mại".

Huawei phủ nhận công ty là một rủi ro bảo mật, khẳng định mình là doanh nghiệp độc lập và không phụ thuộc vào chính phủ Trung Quốc. Huawei cho biết khoảng 500 nhà mạng tại hơn 170 quốc gia đã sử dụng công nghệ của mình.

"Hạn chế Huawei kinh doanh tại Mỹ không giúp quốc gia này an toàn hay mạnh hơn", Huawei cho biết trong một tuyên bố. "Thay vào đó, điều này sẽ chỉ khiến Mỹ phải lựa chọn các dịch vụ đắt đỏ hơn".

Ông Trump phần lớn tập trung vào công nghệ mạng không dây thế hệ tiếp theo, được biết với tên 5G. Nhưng Huawei đã cung cấp thiết bị cho khoảng 25% các nhà mạng nhỏ của Mỹ. Hiệp hội không dây nông thôn, nhóm thương mại đại diện cho 55 nhà mạng nhỏ ở đây, ước tính các thành viên sẽ hết 800 triệu đến một tỷ USD để thay thế thiết bị Huawei, ZTE hay của các công ty Trung Quốc khác.

Nemont là một trong số nhà mạng như vậy với vùng phủ sóng khoảng 36.000 kilomét vuông, tốn rất nhiều tiền để kéo cáp, dựng trạm và đầu tư cơ sở hạ tầng khác. Tuy nhiên công ty chỉ có 11.000 khách hàng trả tiền.

Nemont lần đầu quan tâm tới Huawei vào 9 năm trước, khi ban lãnh đạo quyết định nâng cấp mạng. Với sự trợ giúp từ chính phủ liên bang, công ty đã chi khoảng bốn triệu USD cho các thiết bị mạng như router, trạm phát sóng. Thời điểm này, chính quyền Obama đã có những lo ngại về các thiết bị mạng từ Trung Quốc.

Tuy nhiên sau khi tham khảo và không có phản đối, Nemont đã quyết định chọn Huawei và công ty Trung Quốc đề nghị điều chỉnh thiết bị để giảm giá thành 20-30%. Nhà mạng này mở rộng hệ thống của mình phần lớn bằng thiết bị Huawei.

Việc nâng cấp công nghệ đã thay đổi cuộc sống ở vùng nông thôn. Kevin Rasmussen gần đây đã có thể ngồi trong khoang lái của chiếc máy kéo và sử dụng iPad với mạng Internet tốc độ cao phát ra từ một trạm di động gần đó. Mạng đã giúp phần mềm trên iPad hoạt động, cho phép định hướng máy kéo để xới đất, thả hạt giống và bón phân.

"Tôi có thể ngồi trong chiếc máy kéo và thực hiện giao dịch trên ứng dụng ngân hàng điện tử, theo dõi thời tiết thông qua sáu ứng dụng và đọc các thông tin, tất cả đều trên chiếc điện thoại của mình", ông Rasmussen nói. "Nông thôn Mỹ rất cần điều này".

Nhà mạng Nemont có kế hoạch mở rộng dịch vụ mạng tốc độ cao và đã thuê một khu vực để đặt trạm phát sóng. Tuy nhiên, công ty phải gác lại kế hoạch sau lệnh cấm của Trump. "Chúng tôi không biết phải làm gì", giám đốc Nemont cho biết. "Ban đêm, tôi cũng không thể nào ngủ được".

Nhiều nhà mạng ở vùng nông thôn Mỹ muốn mở rộng vùng phủ sóng, tương tự Nemont, lại phụ thuộc vào trợ cấp từ Ủy ban Truyền thông Liên bang. Nhưng cơ quan này đã đề xuất cắt khoản tiền đó với các đơn vị dùng thiết bị của Huawei và ZTE với lý do mạng lưới cần được bảo mật, không chỉ khu vực thành thị mà còn cả ở nông thôn.

Công ty Nemont ước tính sẽ mất 50 triệu USD để thay thiết bị Huawei trong hệ thống của mình. Nếu đây là lựa chọn duy nhất, công ty có thể phải đóng cửa và người nông dân có thể mất kết nối mạng. Rasmussen cho rằng điều này có thể ảnh hưởng lớn tới hoạt động nông nghiệp của ông, bên cạnh chính sách thuế, xuất nhập khẩu.

Ngày 15/5, Bộ thương mại Mỹ đưa Huawei và khoảng 68 chi nhánh vào danh sách cấm mua các bộ phận và linh kiện từ công ty Mỹ, nếu không có sự chấp thuận của chính phủ Mỹ. Ngày 21/5, Mỹ nới lỏng lệnh cấm trong ba tháng, cho phép Huawei mua hàng hóa do Mỹ sản xuất để duy trì hoạt động cho các nhà mạng hiện tại. Huawei được đánh giá là công ty viễn thông lớn nhất thế giới, đi đầu trong mạng di động 5G.

Theo: VNE 

 

Thực ra, Mỹ không muốn giết chết Huawei

(Techz.vn) Mỹ có thể bóp nghẹt Huawei bằng những chính sách cấm vận của mình, nhưng đó không phải là mục tiêu mà chính phủ nước này hướng tới.