Theo tờ New York Times, không chỉ vì muốn tận dụng nhân công rẻ mà Apple quyết định sản xuất đa số sản phẩm của mình tại các nước châu Á - Thái Bình Dương.
Tổng thống Mỹ Barack Obama từng có lần hỏi thẳng Steve Jobs về vấn đề Apple đặt sản xuất ở bên ngoài nước Mỹ. Và Jobs trả lời một câu rất ngắn gọn: "Không thể thu lại những chỗ làm đó!".
Tờ New York Times mới có bài phân tích các nguyên nhân khiến Apple thích các nhà máy sản xuất ở nước ngoài hơn ở Mỹ. Theo đó, không chỉ vì mong muốn tận dụng nhân công rẻ mà Ban lãnh đạo Apple quyết định sản xuất đa số sản phẩm tại các nước châu Á - Thái Bình Dương.
Theo New York Times, ngoài lí do giá nhân công rẻ, Ban lãnh đạo Apple đã bị thuyết phục rằng Mỹ thua châu Á và châu Âu về năng suất và tính linh hoạt trong sản xuất cũng như về trình độ và tính kỉ luật của công nhân.
Một cách chính thức thì các đại diện của Apple không tham gia vào việc hình thành bài báo này. Apple thoạt đầu có đưa ra một phác thảo nhưng lãnh đạo của hãng lại từ chối bình luận, nên bài báo chủ yếu dựa trên thông tin thu thập được từ các nhân viên cũ cũng như nhân viên hiện tại của Apple.
"Bài báo là kết quả trò chuyện cùng khoảng 3 chục nhân viên cũ và hiện hành của Apple, nhiều người trong số đó đề nghị được giấu tên để không ảnh hưởng đến công việc - New York Times cho biết - Ngoài ra, có một số cuộc phỏng vấn với các nhà kinh tế, chuyên gia về sản xuất, chuyên gia thương mại quốc tế, các nhà phân tích công nghệ, các nhà khoa học, các quan chức và công nhân của các công ty là các nhà cung cấp, đối thủ cạnh tranh hay đối tác của Apple".
Apple có gần 43.000 nhân viên ở Mỹ và khoảng 20.000 nhân viên ở các nước khác. Tuy nhiên, có khoảng 700.000 người làm việc gián tiếp cho Công ty thông qua các nhà thầu, và chủ yếu họ ở ngoài địa phận Hoa Kì.
Trong bài báo có dẫn ví dụ minh hoạ chứng tỏ ưu thế của việc đặt sản xuất sản phẩm tại châu Á. Một vài tuần trước khi tung ra iPhone thế hệ đầu tiên, Steve Jobs đã quyết định thay đổi màn hình của smartphone này do nhận thấy chìa khoá của ông làm xước màn hình bản mẫu iPhone!
Cựu quản lí của Apple hồi tưởng cảnh tượng tại nhà máy lắp ráp ở Thâm Quyến như sau: 8 nghìn con người bị đánh thức trước giờ báo thức khá lâu, được cho uống trà nóng, ăn bánh quy và đưa tới dây chuyền sản xuất để thay màn hình mới cho iPhone. Trong vòng vài ngày, nhà máy đã lắp ráp lại vượt 10.000 smartphone mỗi ngày.
Còn một nguyên nhân nữa khiến Apple chuyển việc lắp ráp sản phẩm sang Đông Nam Á. Đó là vì ở đây đã có hạ tầng cần thiết - các nhà máy sản xuất linh/phụ kiện cho iPhone và iPad. Các nhà máy này hiện diện khắp nơi nên việc chuyển chi tiết máy từ Mỹ đến là không cần thiết: Apple hoàn toàn có thể sản xuất sản phẩm tại châu Á rồi mang đi phân phối khắp thế giới.
Dĩ nhiên, yếu tố tiên quyết dẫn đến việc Apple chuyển sản xuất sang phương Đông là do Foxconn phát triển mạnh mẽ. Foxconn là đối tác của Apple nhưng công ty này cũng đang đảm nhiệm lắp ráp tới 40% lượng hàng điện tử của thế giới. Tại một nhà máy của Foxconn ở Trung Quốc nổi danh với cái tên Foxconn City đã có 230.000 người làm việc, trong đó có tới một phần tư số họ sống luôn trong các "doanh trại" nằm trong phạm vi nhà máy.
"Tại nhà máy có gần 300 bảo vệ chỉ chuyên theo dõi việc đi lại của mọi người sao cho không ai "chết bẹp" vì chen lấn xô đẩy ở các cửa ra vào - New York Times viết - Nhà bếp trung tâm chuẩn bị trung bình 3 tấn thịt heo và 13 tấn gạo mỗi ngày. Nhà máy thì sạch một cách hoàn hảo nhưng trong các phòng uống nước thì không thở được vì khói thuốc dày đặc"