Phiên bản Android SDK mới nhất, cập nhật ngày 24/6/2014, đã xuất hiện Android L (API 20, L preview) và Android 4.4W (API 20). Đây là các API mà Google cung cấp cho các nhà phát triển phần mềm ứng dụng giao tiếp với các thiết bị chạy hai hệ điều hành mới của mình là Android L và Android Wear.
Android SDK mới cập nhật ngày 24/6/2014
Android Wear là hệ điều hành dành riêng cho các thiết bị đeo tay với các chức năng cơ bản là theo dõi sức khoẻ người dùng như đếm bước chân, đo nhịp tim, tính mức năng lượng tiêu hao. Đặc điểm của Android Wear là giúp các thiết bị đeo tay kết nối với các thiết bị di động Android khác, trở thành thiết bị mở rộng của smartphone hay tablet.
Tính năng
Android Wear cung cấp nhiều API cho các nhà phát triển ứng dụng như đồng bộ thông báo, hồi đáp bằng giọng nói, thiết lập giao diện thông báo. Khi smartphone của người dùng nhận được một thông báo nào đó như cuộc gọi, tin nhắn, email,… chiếc đồng hồ đeo tay chạy Android Wear cũng sẽ hiển thị thông báo đó, giúp người dùng không bỏ lỡ các cuộc gọi hay thông tin quan trọng nào.
Thao tác trên thiết bị đeo tay cũng tương tự trên smartphone và tablet
Logic thao tác của Android Wear cũng tương tự như trên Android, trượt ngang để xoá một dòng thông báo. Khi đặt thiết bị đeo tay ở gần sát chiếc máy tính bảng, máy tính bảng nhận dạng được thiết bị mở rộng của mình ở ngay bên cạnh, nó sẽ tạm thời tắt chế độ mở khoá an toàn bằng mã PIN hay sơ đồ mở khoá.
Về tính tiện lợi, Android Wear là một chỉnh hợp các chỉ lệnh giọng nói Google Now kết nối với các thiết bị&nbnbsp; khác, người dùng có thể trực tiếp đặt chuông báo thức, thêm lịch làm việc, thêm ghi chú note, điều khiển chơi nhạc. Không chỉ vậy, người dùng cũng có thể trực tiếp gọi hoặc nhận điện thoại, đọc và trả lời tin nhắn ngay trên chiếc đồng hồ đeo tay chạy Android Wear.
Ứng dụng Lyft chạy trên Android
Ứng dụng độc đáo của Android Wear là Lyft, nó thực hiện một chuỗi công việc dựa trên các dịch vụ mà thiết bị có thể cung cấp, giúp người dùng tiết kiệm thời gian, đồng thời không phải thực hiện nhiều thao tác mà trước đây phải làm. Khi bạn cần gọi một chiếc taxi, Lyft sẽ xác định vị trí của bạn dựa vào hệ thống GPS, sau đó mới thực hiện việc gọi xe. Thậm chí, người dùng còn có thể biết trước thông tin của người lái và chiếc xe đang tiến đến vị trí của bạn.
Android Wear SDK có thể điều khiển smartphone và nhiều loại cảm biến trong smartphone, đồng thời cho phép truyền tải thông tin giữa 2 chiếc smartphone với nhau. Thông qua Android Wear SDK, nhà phát triển chỉ cần thêm vài dòng code đơn giản vào ứng dụng là có thể đưa hiệu quả ứng dụng đó vào smartphone.
Trước mắt, Android Wear chỉ hỗ trợ cho giao diện hình tròn và hình vuông, thích hợp với những chiếc smartwatch đang phát triển trên thị trường hiện tại. Bộ công cụ SDK mới nhất của Google đã có các API hỗ trợ cho nhà phát triển ứng dụng tự viết các ứng dụng cho thiết bị wearable của mình từ kết nối, thông báo cho đến việc đồng bộ dữ liệu.
Thị trường và xu hướng
Nhà phân tích Avi Greengart thuộc công ty nghiên cứu thị trường Mỹ, Current Analysis, từng dự đoán rằng năm 2013 có thể sẽ là điểm bắt đầu sự phát triển bùng nổ của smartwatch do thể tích linh kiện thu nhỏ đến mức cần thiết, giá rẻ và công nghệ phát triển thiết bị di động đã đến lúc mở rộng thêm thị trường. Báo cáo kết quả nghiên cứu của công ty Current Analysis cho thấy năm 2012 thị trường Mỹ đã tiêu thụ 330.000 chiếc smartwatch, năm 2013 đã tăng lên đến 500.000 chiếc smartwatch, và dự đoán năm 2014 sẽ có 5.000.000 chiếc smartwatch được bán ra.
Ngoài Current Analysis, một công ty nghiên cứu khác là Gartner Research cũng dự đoán năm 2015, thiết bị đeo tay sẽ phát triển tới mức 10 tỉ USD.
Các tính năng của smartwatch
Các chức năng mà một chiếc smartwatch cần có sẽ chia thành 3 nhóm chính là quản lý thông tin cá nhân, quản lý thông tin địa lý, trung tâm phục vụ đời sống. Trong đó, trung tâm quản lý thông tin cá nhân sẽ bao gồm các tính năng quản lý lịch làm việc, chuông báo thức, hệ thống nhắc nhở theo lịch, kết nối với hệ thống văn phòng tự động (Office Automatic) của công ty. Tính năng quản lý thông tin địa lý sẽ bao gồm hệ thống GPS, điều khiển bằng giọng nói, dự báo thời tiết, đo độ cao và độ loãng không khí,…
Cuối cùng là trung tâm phục vụ đời sống, sinh hoạt cá nhân của người dùng. Các dịch vụ cần được cung cấp sẽ bao gồm dịch vụ tin nhắn OTT, trao đổi business card, lướt web với 3G, quản lý sức khoẻ, nhận dạng và chứng thực, một số tính năng khác của smartphone.
Kết luận
Việc đưa Android Wear vào bộ Android SDK cho thấy Google đã chủ động cung cấp phương tiện cần thiết cho các nhà phát triển phần mềm ứng dụng. Dựa vào bộ công cụ này và số API mà Google đã phát triển, các developer sẽ dễ dàng phát triển thêm nhiều ứng dụng cung cấp cho smartwatch, bổ sung dần vào bộ sưu tập các tính năng và đến một ngày nào đó chiếc smartwatch chạy Android Wear cũng trở thành thiết bị luôn nằm trên tay người tiêu dùng.
Đọc thêm Những khác biệt của Android L so với các phiên bản trước
Khai Tân