(Techz.vn) Một câu hỏi tranh cãi là giữa hai nền tảng lớn nhất hiện nay, ai mới là kẻ đứng đầu ?
Google đã công bố bản cập nhật mới nhất cho Android có tên mã là KitKat. Tuy nhiên tại thời điểm bản nâng cấp này ra mắt, Apple iOS 7 đã khá phổ biến và đa phần người sử dụng đã biết được nhưng tính năng vượt trội của nó nhưng không vì thế Android 4.4 trở lên lép vế trước đối thủ. Một câu hỏi tranh cãi là giữa hai nền tảng lớn nhất hiện nay, ai mới là kẻ đứng đầu ?
Cuộc đối đầu giữa hai nền tảng di động của Google và Apple vẫn chưa đến hồi kết, khi “ Quả táo “ cho ra mắt iOS 7 với nhiều tính năng vượt trội cùng khả năng hỗ trợ vi xử lý 64 bit trên iPhone 5s thì Android 4.4 lại đi theo hướng ngược lại, tối ưu các hệ thống có cấu hình thấp. Dưới đây là một số tiêu chí so sánh giữa hai bản cập nhật mới nhất của hai nền tảng hàng đầu trên thế giới hiện nay.
Giao diện màn hình chính và màn hình khóa
Khóa màn hình trên iOS 7 nhỏ gọn, cho phép người dùng truy cập nhanh đến máy ảnh, thanh thông báo notificiations hay trung tâm kiểm soát. Tuy nhiên, hệ điều hành của Apple chỉ có thể mở khóa khi trượt icon khóa từ trái sang phải. Với Android 4.4, tùy biến giao diện màn hình khóa linh hoạt hơn, có thể truy cập nhanh vào nhiều mục do người dùng tự sắp xếp. Hoặc nếu không tùy chỉnh, người dùng cũng có thể mở khóa khi trượt icon khóa về bất kỳ hướng nào cảm thấy thuận tiện. Google đã bổ sung thêm một số các tính năng trên màn hình khóa sẽ giúp cho người dùng truy cập nhanh vào các ứng dụng như hộp thư email, note, cập nhật mạng xã hội và nhiều hơn nữa.
Với những thiết bị như iPhone 5, 5S, 5C, giao diện màn hình chính trên iOS 7 cho phép hiển thị 24 icon ứng dụng. Trong khi đó, với giao diện Android gốc như trên Google Nexus 5 hay các smartphone màn hình lớn, màn hình chính chỉ có thể chứa được 20 icon ứng dụng. iOS 7 tỏ ra thuận tiện hơn khi các thư mục không giới hạn số lượng icon trong khi thư mục trên Android 4.4 chỉ chứa được tối đa 16 icon ứng dụng, tuy không quan trọng nhưng phần nào đó người ta coi đó là hạn chế.
Bù lại, giao diện màn hình chính trên Android 4.4 lại linh hoạt hơn khi có thể tùy biến theo sở thích của từng người với các cách sắp xếp widget và icon.Trong khi đó, iOS 7 lại gây ấn tượng với chữ hiển thị tên ứng dụng có thể thay đổi màu sắc tùy thuộc vào chủ đề hình nền.
Quick Controls và Notifications
iOS 7 đã được bổ sung thêm tính năng quan trọng Quick Controls, chỉ cần kéo từ dưới đáy màn hình lên sẽ hiển thị một danh sách các nút bật tắt nhanh các kết nối như Wi-Fi, Bluetooth, điều chỉnh âm lượng, điều chỉnh độ sáng màn hình… Notifications trên iOS 7 cũng đã được nâng cấp, cho phép người dùng có thể tùy chọn hiển thị những thông tin mới như tài chính, email, thông báo mới... và đặc biệt là các lịch làm việc, lịch hẹn trong ngày.
Khác với iOS 7, Notifications trên Android 4.4 không hiển thị nếu không có thông báo nào từ hệ thống. Nhưng mặt khác, người dùng sẽ dễ dàng kiểm soát các thông tin nhờ các thông báo cập nhật thông qua máy chủ Google. Quick Controls trên Android đã có từ khá lâu. Do dó, người dùng có thể cảm thấy thoải mái nhờ khả năng tùy biến các thiết lập theo nhu cầu sử dụng hoặc truy cập trực tiếp vào menu Setting ngay trong Quick Controls. Một điểm mới trong Android 4.4 đó là các toggle được đặt trong một trang riêng biệt với bảng thông báo và hiện thị gần như đầy đủ các tính năng truy xuất nhanh như wifi, Bluetooth, 3G/4G, NFC,…..
Một lợi thế đáng chú ý của iOS 7 so với Android 4.4 là cả Quick Controls hay Notifications có thể truy cập ở bất kỳ màn hình nào, kể cả khi đang sử dụng ứng dụng toàn màn hình như chơi game, xem phim. Android thì ngược lại, song điều này cũng sẽ hạn chế được sự nhầm lẫn khi người dùng vô tình kéo thanh Notifications trong lúc đang truy cập ứng dụng.
Khả năng tùy biến và giao diện.
Apple iOS 7 đã được công bố với một giao diện phẳng tươi mới và phong cách hơn, với một số người thì điều này hấp dẫn họ tuy nhiên với số còn lại họ cho rằng giao diện này quá trẻ con và nhức mắt hơn so với phiên bản cũ. Tuy nhiên nếu đặt cạnh giao diện của Android 4.4 bạn có thể thấy nó có sức sống hơn hẳn, KitKat trong khá tẻ nhạt với tông màu chủ đạo là đen và xanh. Nhưng điều này lại giúp cho thanh trạng thái trong suốt hiển thị tốt hơn và các biểu tượng được thiết kế lại dễ nhìn hơn.
Có một điều mà từ trước đến giờ iOS chưa từng làm được đó là việc tùy biến bới các thiết lập hình nền động và Widget. Nếu đã quá nhàm chán với giao diện gốc của Android, người dùng có thể tải hình nền động, cài đặt các widget hay ho hay thậm chí có thể tải và cài đặt một giao diện hoàn toàn mới do bên thứ ba cung cấp để tạo ra sự mới mẻ trong quá trình sử dụng.
Trình gọi điện và danh bạ
Khi sử dụng bạn sẽ thấy rằng trình quay số mặc định của Android 4.4 KitKat giờ đây đã tích hợp thêm khả năng tự động tìm kiếm. Khi chúng ta nhận cuộc gọi từ một số điện thoại chưa lưu trong danh bạ, điện thoại chạy Android 4.4 sẽ tự động tìm kiếm trên cơ sở dữ liệu của Google Maps để xem có doanh nghiệp địa phương nào khớp với số đó hay không, nếu có thì hiển thị số lên cho bạn xem.
Trình gọi điện và danh bạ trên iOS 7 khá đơn giản và thân thiện, cho phép hiển thị danh bạ theo thứ tự các chữ cái alphabet, trình gọi điện hiển thị thông tin các cuộc gọi đến, đi và các cuộc gọi nhỡ tạo nên một khối liên hệ nhất định. Ở điểm này chúng ta cũng không xác định được bên nào hơn bởi đơn giản ai quen với giao diện gọi điện hay danh bạ nào sẽ bảo bên đấy tốt hơn.
Bàn phím và nhắn tin
Nhập văn bản trên một thiết bị di động một cách nhanh chóng và hiệu quả thường được các nhà sản xuất hay các nhà phát triển ưu tiên về kích thước bàn phím trên mà hình và cách bố trí. Với iOS 7 nói riêng và iPhone nói chung, chúng ta có thể dễ dàng nhập văn bản bằng cách sử dụng một ngón tay cái duy nhất bởi chiều rộng của thiết bị đã được tối ưu cho mục đích này. Google Nexus 4, chạy Android 4.4 rộng lớn hơn và giúp cho hoạt động thoải mái bằng hai ngón tay và điều này thường tương ứng với các điện thoại có màn hình từ 4,5 inch trở lên. Ngoài ra cả hai bàn phím này đều hỗ trợ nhiều ngôn ngữ đầu vào khác nhau.
Về nhắn tin thì ai sử dụng iPhone đều biết được tính tiện lợi của iMessage, văn bản chuyển qua ứng dụng này thường nhanh hơn, với file multimedia đính kèm chất lượng cao hơn, không giới hạn ký tự và hiển thị một thông báo nhỏ khi tin nhắn này đã được đọc. Nhìn chung giao diện của iMessage rất dễ sử dụng, đơn giản và trực quan. Còn với Android 4.4, Google đã cho thấy một bước tiến lớn khi tích hợp Hangouts vào Message, qua đó khuyến khích người dùng sử dụng giải pháp tin nhắn của họ thay vì tin nhắn SMS.
Đa nhiệm
Khi nói đến việc sử dụng đa nhiệm trong iOS và Android thì chắc hẳn không ai có thể phàn nàn. Việc chuyển đổi giữa các ứng dụng dễ dàng và tiện lợi, chỉ cần mở menu đa nhiệm và chọn ứng dụng bạn muốn quay trở lại. Trong khi iOS 7 đã được Apple cải thiện, không chỉ liệt kê ứng dụng theo danh sách icon nằm ngang mà còn hiển thị các cửa sổ xem trước, thì Android liệt kê danh sách các ứng dụng vừa dùng theo chiều dọc với hình ảnh trong trạng thái cuối cùng trước lúc thoát. Tuy nhiên, Android 4.4 vẫn có phần “nhỉnh” hơn khi có nhiều sự lựa chọn hơn trong cửa sổ đa nhiệm.
Siri vs Google Now
Cả iOS 7 và Android 4.4 đều được hỗ trợ thông minh bởi hai nền tảng Siri và Google Now. Về cơ bản hai nền tảng này khá tương đồng, song nếu như Siri hỗ trợ tìm kiếm, lái xe bằng các ngôn ngữ như tiếng Anh, Pháp và Đức thông qua khẩu lệnh, thì Google Now có một chút khác biệt. Ngoài việc cung cấp các thông tin chính xác, Google Now còn cung cấp các thông tin liên quan. Chẳng hạn nếu người dùng muốn tìm hiểu thông tin về một chuyến bay, Google Now sẽ cung cấp thêm cả chi tiết cập nhật của chuyến bay hoặc những thông tin liên quan đến chuyến bay đó.
Tuy nhiên, do chỉ nhận khẩu lệnh bằng các ngôn ngữ như tiếng Anh, Đức, Pháp và một số ngôn ngữ phổ biến trên thế giới nên thực tế, dịch vụ này chưa cần thiết lắm với người dùng Việt Nam.
Android Beam với Air Drop
Air Drop là chức năng cho phép các thiết bị iOS khi được đặt gần nhau có thể chia sẻ nhanh các nội dung số như hình ảnh, video, âm thanh. Đây cũng được cho là tính năng mà iOS 7 đã học hỏi nền tảng Android của Google. Hệ điều hành di động của gã khổng lồ tìm kiếm đã được trang bị Android Beam với chức năng tương tự dựa trên kết nối Buetooth hoặc NFC từ phiên bản Android 4.0.
Tuy nhiên khác với Android Beam tính năng chỉ để làm cảnh trên thiết bị chạy nền tảng của Google vì sự thiết ổn định trong giao tiếp thì Air Drop lại ở một đẳng cấp cao hơn. Tốc độ truyền tải dữ liệu qua Air Drop là cao hơn rất nhiều lại không đòi hỏi các thiết bị phải đặt quá sát nhau. Air Drop còn một ưu điểm nữa là dễ sử dụng hơn tuy nhiên cũng chỉ sử dụng được trên các thiết bị của Apple chứ không rộng rãi như Beam
Kết Luận
Khó có thể đưa ra kết luận hệ điều hành nào tốt hơn, bởi mỗi bên đều có những ưu nhược điểm của riêng mình. Android 4.4 tỏ ra vượt trội hơn iOS 7 về khả năng tùy biến nhưng ngược lại, iOS 7 lại đang dẫn điểm khi các nhà phát triển phần mềm luôn ưu tiên hệ điều hành iOS hơn cho dù Play Store của Google có sẵn khá nhiều phần mềm miễn phí. Tuy nhiên, iOS 7 sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thuyết phục các fan iOS lâu năm bởi giao diện mới gần như thay đổi hoàn toàn khó tránh khỏi những khó chịu ban đầu.
Đọc thêm : IOS Vs Android : Nên Chọn Hệ Điều Hành Nào Để Chơi Games ?