Và trên thực tế có rất nhiều công việc cần được giải quyết xung quanh một start-up. Hãy đảm nhận những việc đó để co-founder của bạn có thể tập trung tối đa thời gian cho sản phẩm
Là một co-founder không am tường kỹ thuật không đơn thuần là chỉ là “làm kinh doanh” hay “marketing”. Anh ta là người xây dựng một công ty và vận hành nó xung quanh sản phẩm. Đó là những thứ tạo nên sự khác biệt giữa một dự án công nghệ đơn giản và một công ty công nghệ thành công. Nếu bạn làm tốt, sản phẩm sẽ có nhiều hơn gấp đôi cơ hội để lớn mạnh, hoặc sẽ tệ hại hơn rất nhiều nếu làm quá lởm.
Để lấy ví dụ, sau đây là một số việc cụ thể mà tôi đang làm lúc này (chúng tôi vừa mới tung ra sản phẩm thử được vài tuần)
Hỗ trợ trong thiết kế sản phẩm. Vẽ các phác thảo, nói chuyện với khách hàng tiềm năng, thử nghiệm các mẩu thiết kế, test sản phẩm, tinh chỉnh UX/UI là những việc tối quan trọng để phát triển sản phẩm; và khi làm, bạn sẽ nhận ra rằng bạn có thể có rất nhiều đóng góp ý nghĩa đối với việc phát triển sản phẩm mặc dù bạn chẳng biết gì về lập trình cả. Và sẽ là tốt hơn nếu bạn có một chút ít kiến thức về kĩ thuật (ví dụ như tôi, tôi đã từng là một nhà phát triển), khi đó bạn có thể đóng góp nhiều hơn nữa vào thiết kế kĩ thuật ngay cả khi kĩ năng lập trình của bạn là khiêm tốn.
Trong công việc này, tốt hơn là bạn nên có kỹ năng trong một vài thứ như Photoshop, Keynote hoặc PowerPoint (tin tôi đi, đây là chuyện nhỏ so với những thứ như Ruby on Rails hay Java v…v)
Chuẩn bị chiến lược kinh doanh. Hoạch định chiến lược bán hàng và Marketing, tìm các phân khúc thị trường để có những người dùng đầu tiên, thiết lập quy trình bán hàng, lập quy trình làm việc, xây dựng các mối quan hệ trong ngành và báo chí, tìm người sử dụng cho bản beta, thiết lập các kênh quảng cáo trực tuyến.
Nhà đầu tư. Thậm chí nếu bạn không phải là người đảm nhận việc mời đầu tư, hãy bắt đầu việc xây dựng các mối quan hệ của bạn, hãy chắc chắn rằng các nhà đầu tư hiện tại và tương lai luôn biết bạn đang đi đến đâu. Hãy nói những gì bạn đang làm với mọi người và nhận phản hồi.
Tầm nhìn Hãy dành ra thời gian cho chiến lược sản phẩm, chiến lược gọi vốn, lộ trình cho công ty. Quá trình phát triển sản phẩm là thời điểm tốt để bạn làm điều này vì nhiều ý tưởng sẽ phát sinh quá trình phát triển, và bạn sẽ phải gạt bỏ những ý tưởng ban đầu đi liên tục. Hãy lôi người đồng sáng lập vào những cuộc trò chuyện sau khi làm việc về chủ đề này và hãy chắc chắn cả 2 đều hiểu rõ và cùng xây dựng tìm nhìn chung.
Copywriting. Một sản phẩm có rất nhiều phần cần tới kỹ năng copywriting. Trang web, các tài liệu Marketing, email, là cách mà bạn mô tả sản phẩm bằng từ ngữ với mọi người. Bạn không thể thuê một đơn vị bên ngoài làm việc đó hộ bạn. Bạn có thể, và nên tìm những chuyên gia để góp ý, chỉnh sửa và đánh bóng, nhưng bạn phải là người chịu trách nhiệm chính trong việc mô tả sản phẩm và tầm nhìn của bạn bằng từ ngữ – thứ sẽ đại diện cho công ty bạn.
Kể chuyện. Tương tự như trên, bạn sẽ cần phải phát triển câu chuyện của mình, một số câu chuyện thực tế về những gì bạn làm, chúng có ý nghĩa gì đối với khách hàng, chúng sẽ đóng góp gì cho ngành. Bạn cần kể những câu chuyện truyền đạt giá trị của bạn, thứ có thể đi vào trí tưởng tượng của khách hàng và khiến cho cánh báo chí phải nhanh chóng viết về bạn. Đây không phải là một bài tập dễ dàng, nó cần có thời gian để thử nghiệm, mắc lỗi và liên tục sàng lọc.
Nghiên cứu. Tìm hiểu các đối thủ cạnh tranh, tìm hiểu cách mà các công ty tương tự bạn giải quyết các vấn đề liên quan đến kinh doanh (ví dụ như làm thế nào để họ bán hàng, những tính năng nào họ có, email marketing của họ trông ra làm sao), liên tục tìm kiếm các ý tưởng mới có thể hữu ích cho thứ mà bạn đang làm.
Bạn cũng cần thu thập dữ liệu cho những quyết định quan trọng ví dụ như tình hình của đối thủ, những “keywords” quan trọng, những sự kiện mà khách hàng của bạn hay lui tới, những so sánh về giá, thị trường trên thế giới, … và danh sách này là vô cùng tận. Thứ bạn cần đưa ra từ việc nghiên cứu này là những ý tưởng và những quyết định hữu ích.
Nuôi dưỡng sự “đói khát” (stay hungry) Co-founder của bạn hẳn sẽ dành phần lớn thời gian để tập trung vào các chi tiết hoặc vấn đề về kĩ thuật. Sự tập trung này là tốt về góc độ phát triển, nhưng đôi lúc bạn cần lôi anh ta vào bức tranh lớn. Bạn cần nói chuyện anh ta một cách sâu sắc về thứ mà các bạn đang cùng xây dựng một cách tổng thể - không phải để tăng thêm gánh nặng cho anh ta mà là làm cho bức tranh của anh ta thêm phong phú với những kiến thức và chiêm nghiệm của bạn về nó. Bạn sẽ tràn đầy động lực và tự tin một khi tầm nhìn của team đang cùng hướng về một điểm, khách hàng hứng thú, các nhà đầu tư đang chú ý, các con số nằm trog tầm tay, những phản hồi tích cực và thị trường dường như đang chờ đợi sản phẩm của bạn … Sự tập trung phát triển có thể khiến bạn quên mất mọi thứ xung quanh, và công việc của bạn là chắc chắn rằng điều đó sẽ không dẫn đến sự cô lập về trí tuệ cho CTO của mình.
Đáp ứng các nhu cầu về cơ sở hạ tầng và vận hành. Di chuyển văn phòng, mua các trang thiết bị, các phần mềm hỗ trợ, quy trình chăm sóc khách hàng, thiết lập dịch vụ đám mây, tuyển nhân viên, quản lý tài chính, mua thức ăn, vân vân và vân vân… có một danh sách dài vô tận những nhu cầu thiết yếu cần đáp ứng, cả trong quá trình phát triển sản phẩm lẫn sau khi launch. Hãy quản lí chúng thật tốt. Hãy trở thành thư ký, trợ lý, quản lý dự án, COO, mọi thứ cho co-founder của bạn yên tâm code.
Một số giấy tờ: Giấy phép thành lập công ty, thỏa thuận về cổ phần, thuế, thiết lập hệ thống kế toán, ngân hàng, thanh toán, bộ nhận diện thương hiệu, các thỏa thuận về sở hữu trí tuệ nếu có … Sẽ có hàng tấn công việc tẻ nhạt mà bạn sẽ phải làm và sáng lập viên kĩ thuật của bạn không nên lãng phí bất cứ một thì giờ nào vào những công việc như thế này.