Điện thoại

Blackberry: thay máu với Android để hồi sinh

Blackberry: thay máu với Android để hồi sinh

“Chùm dâu đen” của RIM đang ngày một tụt dốc không phanh. Lựa chọn một hệ điều hành mới để thay đổi, hay chết dần chết mòn với truyền thống đang là điều RIM cần phải tính toán thật kĩ.

Một quá khứ vinh quang

Như chúng ta đều biết, Blackberry đã có thành công trong gần một thập kỉ, trước khi thế hệ smartphone màn hình cảm ứng mà tiêu biểu là iPhone ra đời. Khi ấy, cùng với bàn phím QWERTY được coi là bản sắc riêng, sự độc đáo không thể nhầm lẫn đã giúp Blackberry chinh phục thị trường. Thứ vũ khí ấy khiến cho Blackberry trở thành đối trọng với những ông lớn như Motorola, Nokia và Samsung.

Blackberry từng rất được ưa chuộng

 

“Đặc sản” bàn phím QWERTY cùng hệ điều hành và phần mềm đi kèm đã tối ưu hóa chức năng nhắn tin và ứng dụng văn phòng, khiến cho Blackberry đã có lúc trở thành biểu tượng, một vật “bất ly thân” của giới doanh nhân. Còn nhớ ở Việt Nam khi đó (những năm 2000) thì việc sở hữu một chiếc Blackberry thực sự làm bạn trở nên khác biệt, rất “doanh nhân”!

Sự thay đổi của thị trường

Đúng là không ai có thể “ngủ quên trên chiến thắng” mãi được. Điện thoại Blackberry đặc sắc là thế, ưu điểm là thế nhưng RIM lại không chú ý đến thị hiếu cũng như những thay đổi của thị trường. Trong ngành viễn thông thì công nghệ luôn thay đổi với tốc độ chóng mặt. Sự phát triển của phần mềm kéo theo sự ra đời của các hệ điều hành mới, với iOS của Apple và Android của Google là một ví dụ.

iPhone ra đời năm 2007 đã làm thay đổi định nghĩa về một chiếc điện thoại

Kể từ khi chiếc iPhone đầu tiên chạy hệ điều hành iOS được Apple giới thiệu năm 2007, trào lưu điện thoại màn hình cảm ứng đã lớn mạnh không ngừng. Tiếp sức cho phong trào Apple tạo ra, hệ điều hành Android của Google khiến cho thị trường smartphone màn hình cảm ứng chiếm ưu thế tuyệt đối trên thị trường di động  mảng trung và cao cấp.

RIM sẽ lựa chọn Android cho các mẫu Blackberry sắp tới?

Trong khi đó, bàn phím QWERTY, đôi khi có một vài thay đổi cùng một hệ điều hành cũ kĩ đã khiến cho Blackberry ngày một tụt hậu. Có thể lấy một ví dụ về sự thất bại của một hãng điện thoại là Nokia. Thiết kế đẹp, chất lượng tốt, nhưng giờ đây, Nokia không còn vị thế cao trên thị trường sản xuất di động nữa rồi. Đó là vì hệ điều hành Symbia đã quá cũ kĩ, cho dù nó đã mang lại thành công cho Nokia trước đây.

Hệ điều hành Android đang đứng số 1 về sự phổ biến

Nhìn vào bài học của Nokia, có lẽ RIM sẽ “sáng mắt” hơn rất nhiều. Với trào lưu smartphone cảm ứng như hiện nay, Blackberry đang trở nên “lạc loài”. Cần phải có một hệ điều hành mới, hợp với trào lưu hơn, để Blackberry tìm lại vị thế khi xưa. Nhưng Blackberry10, cho dù được giới thiệu và mong đợi rất nhiều, cũng không thực sự đem lại cho Blackberry thành công. Vậy, hãng có nên tiếp tục tự xây dựng một HĐH của riêng mình, hay là tìm kiếm đến với một HĐH sẵn có, phổ biến và dễ thành công hơn như Android? Chúng ta cùng xem xét một vài điểm đáng chú ý sau:

Thứ nhất, nếu tiếp nhận Android làm hệ điều hành thì các máy Blackberry sẽ có được một kho ứng dụng khổng lồ trên Google Play, làm thỏa mãn mọi nhu cầu của người dùng, điều mà kho ứng dụng trước đây của Blackberry không thể đáp ứng. Thêm vào đó, Blackberry sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho việc nghiên cứu phát triển phần mềm, tập trung hơn vào xây dựng và hoàn thiện cho “đặc sản” BIS (Blackberry Internet Service)

 

HTC Chacha chạy Android với bàn phím QWERTY đầy đủ

Thứ hai, nếu chạy Android, một hệ điều hành chuyên về màn hình cảm ứng, liệu có còn mẫu Blackberry với bàn phím QWERTY nào nữa không? Câu trả lời là có! Vì như HTC Chacha, vẫn là một máy chạy Android, nhưng lại sở hữu bàn phím QWERTY đầy đủ. Điều đó cho thấy ngay cả khi “kết duyên với Android”, Blackberry vẫn sẽ không phải từ bỏ “món đặc sản” bàn phím cứng của mình.

 

Blackberry sẽ chọn Android làm hệ điều hành của mình?

Thứ ba, vấn đề bảo mât! Như đã biết, các mẫu điện thoại của Blackberry thành công một phần nhờ chính sách kinh doanh điện thoại đi kèm các gói dịch vụ của RIM. BIS (Blackberry Internet Service) và BES ( Blackberry Enterprise Server ) là hai “át chủ bài” lôi kéo khách hàng là doanh nghiệp, doanh nhân, những người ưu tiên sự bảo mật đến với Blackberry. Nếu chọn Android làm hệ điều hành, Blackberry cũng sẽ phải hứng chịu nguy cơ tiềm ẩn về bảo mật giống như các mẫu máy của hệ điều hành này. Mặc dù vậy, nếu như vẫn giữ được các ưu điểm của dịch vụ BIS và BES, Blackberry chắc chắn vẫn sẽ có chỗ đứng trên thị trường, ngay cả khi chạy một hệ điều hành hoàn toàn mới.

Kết luận

Android – hệ điều hành phổ biến nhất thế giới, vượt trên cả iOS của Apple, đã và đang thể hiện những ưu điểm không thể chối cãi của nó. Mặc dù 2 đại gia HTC và Samsung sẽ là “đối thủ” rất lớn trong Liên minh Android cần phải vượt qua, nhưng với những giá trị truyền thống và danh tiếng của mình, chắc chắn Blackberry vẫn sẽ thu được thành công.