Nhịp sống số

13 tiết lộ “động trời” về Facebook thủa hàn vi

13 tiết lộ “động trời” về Facebook thủa hàn vi

  Trong số này, nổi bật là tình trạng phân biệt đối xử tình dục với đồng nghiệp nữ tại mạng xã hội lớn nhất thế giới.

Katherine Losse – nhân viên số 51 của Facebook – tiết lộ nhiều sự thật về những ngày đầu của mạng xã hội lớn nhất hành tinh trong cuốn sách có tên “The Boy Kings: A Journey into the Heart of the Social Network”. Cuốn sách miêu tả những trải nghiệm của Losse khi làm việc tại mạng xã hội trong khoảng thời gian từ năm 2005-2010, mang tới cái nhìn của một người trong cuộc.

Là một trợ lí viết thuê (ghostwriter) cho Mark Zuckerberg, Losse có cơ hội tiếp xúc gần gũi với vị TGĐ trẻ tuổi và những bí mật bên trong môi trường làm việc của Facebook. Cô trải qua cả những phút giây thú vị và bực bội với các bữa tiệc xa hoa và cả tình trạng phân biệt đối xử tình dục xảy ra trong vương quốc “phụ hệ” Facebook.

Dưới đây là 13 tiết lộ về Facebook trong cuốn sách “The Boy Kings”:

1. Thật tệ khi phải là phụ nữ

Losse xem Facebook như một câu lạc bộ của những cậu con trai và vương quốc này “chối bỏ 50 năm tiến hóa xã hội”. Cô từng một lần nhắc nhở Zuck vì cô nghĩ anh “xem nhẹ quấy rối tình dục nơi công sở” và bất mãn với cách anh xử lí một khiếu nại của đồng nghiệp nữ. Anh mang khiếu nại này vào cuộc họp toàn bộ mọi người và còn hỏi về ý nghĩa của những lời nói khiếm nhã của đồng nghiệp nam là gì.

Losse nhấn mạnh: “Rất khó để nói đó là giả vờ hay ngây thơ? Mark quá bận với việc lập trình để học về bất bình đẳng xã hội.”

2. Nhiều nhân viên chỉ sống cách trụ sở 1 dặm

Với tiền lương khoảng 600 USD/tháng, nhân viên Facebook có thể sống trong khu dân cư cách văn phòng 1 dặm. Ban đầu, Zuckerberg chỉ dành quyền lợi này cho kĩ sư, nhưng sau đó thay đổi quan điểm vì bị nhân viên phản đối. Losse viết: Trong vòng 1 dặm, tôi hiếm khi giao tiếp với ai đó không phải nhân viên Facebook” và rất khó để “gặp ai đó mới mẻ” mà câu chuyện không kết thúc về mạng xã hội.

3. Bài giới thiệu kì quái về Sheryl Sandberg

 

Buổi giới thiệu Giám đốc điều hành (COO) Sheryl Sandberg với nhân viên Facebook đã không diễn ra theo lệ thường. Mark giới thiệu Sheryl có “làn da thực sự đẹp” và “mọi người sẽ phải lòng Sheryl”. Losse nhận thấy màn chào hỏi này khiến nhân viên kinh hãi, nhưng vẫn vui mừng vì có thêm một người phụ nữ nữa gia nhập “hội huynh đệ” Facebook.

4. Nhân viên “bệnh hoạn”

Một kĩ sư “đặc biệt” luôn gửi các email khiếm nhã cho cấp dưới là nữ kết thúc bằng lời mời mọc “lên giường” cùng mình và vợ. Hành động này kì lạ là không bị phát giác sau nhiều năm. Tuy nhiên, sau khi Sheryl trở thành COO, nhiều hành vi phân biệt tại nơi làm việc đã bị kiểm tra và người kĩ sư trên bị “lặng lẽ giáng chức”.

5. Judgebook

Ứng dụng không chính thức của Facebook được thiết kế để đánh giá người dùng nữ qua ngoại hình của họ. Tất nhiên, như mọi nền tảng khác, “phụ nữ không bao giờ cho phép sử dụng hình ảnh của mình.”

6. Hồ sơ “đen”

 

Mùa thu năm 2006, Facebook bổ sung “hồ sơ đen” hay hồ sơ của những người chưa lập tài khoản Facebook. Họ được dựa trên những tấm ảnh có “tag” người chưa phải là thành viên nhưng có bạn bè sinh hoạt trên Facebook. Losse viết: “Chúng tôi dùng mọi phương tiện kĩ thuật để tạo ra cơ sở dữ liệu tất cả mọi người trên thế giới.”

7. Cấp bậc trong Facebook

Trả lời báo Huffington Post về cảm giác khi là phụ nữ tại Facebook, Losse nói: “Kĩ sư làm nên giá trị công ty, vì vậy sinh ra hệ thống cấp bậc tự nhiên nơi những người là kĩ sư ở trong môi trường không phải lo lắng vì hành vi của mình.”

8. Facebook Stalker

Trong khi nhiều người dùng Facebook ước mong có thể xem được ai đang vào trang cá nhân của mình, đội Facebook đã phát triển công cụ nội bộ có tên “Facebook Stalker” cho phép nhân viên xem ai đang xem tài khoản và trong thời gian bao lâu.

9. “Không đủ đẹp”

Trong một chuyến đi của Facebook tới Las Vegas, nhóm kĩ sư “chế” trò chơi độc ác về “cách nói chuyện và từ chối có phương pháp tới các cô gái tới bàn của mình”. Trong video Losse xem được sau đó về sự kiện, cô nghe thấy một trong những đồng nghiệp của mình nói: “Đi đi, cô không đủ xinh đẹp” tới một vài cô gái.

10. Mật khẩu “master” của Facebook

 

Khi bắt đầu làm việc tại Facebook, Losse được phép sử dụng mật khẩu “master”, loại mật khẩu cho phép tất cả quản trị viên (admin) xem bất cứ những gì họ muốn trên mọi tài khoản, kể cả thông tin đã bị xóa.

11. Áo sinh nhật của Mark chỉ dành cho nữ nhân viên

Năm 2006, Losse nhận được chiếc áo phông có in hình Zuckerberg ở phía trước và bị ép mặc vào giống mọi nhân viên nữ khác. Trong khi đó, nhân viên nam không được đi sandal Adidas để kỉ niệm bàn chân của TGĐ. Losse tự nói với mình “Anh ta không phải Chúa hay Tổng thống của tôi; tôi chỉ làm việc ở đây” và xin cáo ốm để không phải tham dự bữa tiệc sinh nhật Zuckerberg.

12. Ghostwriter

Nửa sau sự nghiệp, một phần vai trò của Losse là người viết thuê (ghostwriter) cho Zuckerberg. Cô viết blog, email và cập nhật fanpage cho Mark. “Một câu đố thú vị, giống một cuộc thi nhập vai. Tôi chụp các bức ảnh tại văn phòng hay lấy từ album du lịch trên trang cá nhân của Zuck và viết các chú thích theo giọng văn Zuck, gắn bó với các luồng thong tin và sự thay đổi của thế giới.”

13. Hoàn toàn tin tưởng các nhà phát triển

Theo Losse, Facebook “hoàn toàn tin tưởng các nhà phát triển” làm việc trên Facebook. Họ thường tổ chức thành các đội để các nhà phát triển “cạnh tranh với người khác”, nơi mọi dữ liệu người dùng được mở quyền truy cập.

 

Theo ictnews.vn